Một sự kiện chưa từng có tiền lệ tại bất kỳ hội nghị AMM nào của ASEAN: Một tuyên bố riêng rẽ về Biển Đông mà yếu tố tác động gần nhất chính là vụ giàn khoan của TQ cắm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN.

{keywords}
Ảnh: Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đồng thuận với đề xuất ra tuyên bố riêng rẽ về Biển Đông của VN. Ảnh: AP

Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Tuyên bố là kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) - hội nghị chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN 24 khai mạc sáng nay (11/5) tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar.

Một tuyên bố riêng rẽ, chưa từng có tiền lệ, cho thấy ASEAN đánh giá mức độ đe dọa nghiêm trọng đối với ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Một tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chính là đề xuất của VN tại hội nghị, nhận được sự đồng thuận đa số của các nước thành viên.

Đề xuất của VN được đưa ra trong bối cảnh TQ hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (tiếng Việt là Hải Dương-981) ở sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Tại cuộc họp AMM hôm qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông báo và nhấn mạnh việc TQ hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN hơn 80 hải lý đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố DOC; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Đặc biệt, hành động này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực.

Trước những căng thẳng trên thực địa vẫn đang tiếp tục leo thang, Phó Thủ tướng kêu gọi ASEAN cần phải đoàn kết và có phản ứng chung đối với tình hình nghiêm trọng này.

VN đã đề nghị ASEAN có tiếng nói chung bằng việc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông, nhấn mạnh các nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông như đã được thể hiện trong Tuyên bố DOC và Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông tháng 7/2012; yêu cầu các bên liên quan không làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình theo Công ước Luật Biển, triển khai đầy đủ DOC, đẩy mạnh các nỗ lực sớm đạt COC.

Các Bộ trưởng ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các sự việc phức tạp hiện nay ở Biển Đông, các hành động xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là trái với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 của LHQ và Tuyên bố DOC, đã làm gia tăng căng thẳng và phương hại hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Các Bộ trưởng đều nhấn mạnh, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, ASEAN cần phải kịp thời thể hiện lập trường chung của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng.

Và trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, ASEAN nhấn mạnh việc tăng cường đoàn kết và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình trong việc xử lý các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển ở khu vực, thúc đẩy xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác.

Tại Cấp cao ASEAN 24 hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng và một trong những nội dung được dư luận chờ đợi là vấn đề Biển Đông.

VietNamNet sẽ cập nhật sớm nhất đến bạn đọc những vấn đề Thủ tướng nêu tại diễn đàn quan trọng nhất khu vực này.

  • Linh Thư