Trung Quốc có thể tự mình đang trở thành nạn nhân của mưu kế cổ xưa - “Viễn giao cận công - Kết xa đánh gần”, một trong 36 kế Binh pháp Tôn Tử.

>> Ngoại trưởng Mỹ: Hành động của TQ là 'hiếu chiến'

Trung Quốc đã trở thành một cường quốc toàn cầu, nhưng cũng chưa bao giờ bị cô lập hơn lúc này.

Bắc Kinh có lẽ đã không lường trước được việc họ tăng cường xây dựng quân đội trong bối cảnh nhận thức các khả năng quân sự Mỹ đang sụt giảm, lại tạo ra nỗi e ngại và cảnh giác đến vậy trong cộng đồng láng giềng.

{keywords}
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: wordpress

Trung Quốc đang gây hàng loạt vụ đụng độ căng thẳng với các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Đây là kết quả của việc Bắc Kinh tuyên bố không nhượng bộ trong yêu sách chủ quyền với láng giềng - kiểu tuyên bố đã “ngủ yên” trong nhiều thập niên qua.

Ngoài ra, các cuộc đụng độ cũng có khả năng liên quan tới nhiều nước khác có tranh chấp lãnh thổ với họ như Malaysia, Hàn Quốc, Bhutan, Indonesia và Brunei. Triều Tiên cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực biên giới dãy núi Baekdu. Hàn Quốc thì thách thức Bắc Kinh trong tranh chấp khu vực Gando.

Trung Quốc có các thỏa thuận biên giới với Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Myanmar. Nhưng ở những nước này, lời kêu gọi giành lại “lãnh thổ bị Trung Quốc lấy mất” ngày càng xuất hiện rộng khắp trên các phương tiện truyền thông trực tuyến.

Chiến lược của Trung Quốc nhằm chấm dứt sự cô lập này dường như là nỗ lực đổ lỗi cho Nhật (vì chủ nghĩa thực dân và chiếm đóng tàn bạo trước năm 1945) gây nên bất an trong khu vực. Nhưng cố gắng này không giúp gì cho Bắc Kinh bởi phần lớn tranh chấp lãnh thổ không liên quan tới lịch sử Nhật trước 1945.

Trái lại, chúng dính líu nhiều hơn tới các toan tính địa chính trị của Trung Quốc thời hậu chiến.

Cho đến nay, chiến lược đổ lỗi của Bắc Kinh đã phản tác dụng.

Chiến lược ấy giúp tăng cường sức mạnh cho phe bảo thủ Nhật dẫn dầu là Thủ tướng Shinzo Abe, người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Nó cũng buộc Washington phải chính thức tuyên bố quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư - hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật - thuộc phạm vi hiệp ước phòng thủ chung. Nghĩa là, nếu Trung Quốc định dùng vũ lực tấn công Nhật trong tranh chấp quần đảo này, họ sẽ đối mặt với lực lượng Mỹ.

Chiến lược của Bắc Kinh cũng khiến Nhật và Ấn Độ - hai nền dân chủ lâu đời nhất và lớn nhất ở châu Á liên minh chặt chẽ với nhau hơn trong mục tiêu đối phó với yêu sách chủ quyền gây hấn của Trung Quốc. Đáng ngại hơn với Bắc Kinh là việc lãnh đạo đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Narendra Modi sẽ trở thành Thủ tướng Ấn Độ. Ông Modi là người công khai sự cứng rắn với Trung Quốc.

Biện pháp khắc phục của Trung Quốc trong tình thế bối rối hiện nay là kéo Nga vào cuộc tranh chấp. Nhưng Nga lại từ chối điều này vì Moscow muốn có mối quan hệ hữu nghị với một số đối thủ của Trung Quốc như Ấn Độ và có khả năng là cả Nhật Bản.

Trong khi bán vũ khí số lượng lớn cho Ấn Độ và Việt Nam để giúp các nước này tăng cường khả năng phòng thủ trước một Trung Quốc trỗi dậy, Moscow lại từ chối đứng về phía Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Nghĩa là, Trung Quốc có thể tự mình đang trở thành nạn nhân của mưu kế cổ xưa - “Viễn giao cận công - Kết xa đánh gần”, một trong 36 kế Binh pháp Tôn Tử.

Thái An (theo Washingtontimes)

      TOÀN CẢNH: Phản đối TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam