- Độc lập tự do và chủ quyền là thiêng liêng. Thủ tướng đã phát biểu trước LHQ rằng bất kể hành vi nào có thể dẫn đến xung đột và chiến tranh đều phải được nỗ lực để ngăn chặn, dù còn cơ hội nhỏ nhoi nhất cho hòa bình chúng ta cũng phải tận dụng - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Sáng 17/5, Bộ KH-CN tổ chức lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2013, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực.

Tình hình Biển Đông trở thành tâm điểm của buổi đối thoại sau phần trao giải khi các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng.

Nguyễn Quốc Định, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự:

Thưa Phó Thủ tướng, có câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Là một nhà khoa học hiện đang giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự nhưng đồng thời cũng là một người lính, tôi rất lo lắng cho những đồng đội của mình đang ngày đêm đấu tranh với TQ để yêu cầu rút giàn khoan Hải Dương 981. Giới khoa học chúng tôi có thể làm gì để hỗ trợ những lực lượng chấp pháp của VN?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Nếu nói đồng đội theo nghĩa rộng có thể đồng chí nói đúng, các chiến sỹ bộ đội của chúng ta ngày đêm canh giữ đất, trời, biển. Còn tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 của TQ đặt trái phép vào thềm lục địa của VN, chúng ta chỉ có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, không có bộ đội. Chỉ có TQ là đem tàu quân sự sang. VN kiên trì hòa bình và đúng theo tinh thần hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Giới khoa học làm được rất nhiều việc.


{keywords}

Đầu tiên là cần chia sẻ với người thân xung quanh mình làm sao cho mọi người hiểu luật pháp quốc tế, hiểu VN có chính nghĩa, có lẽ phải, việc TQ mang giàn khoan vào VN là vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi quốc tế ủng hộ. Các bạn học sâu về khoa học, lịch sử thì cần nghiên cứu sâu hơn để khẳng định các chứng cứ, cơ sở khoa học liên quan, không chỉ riêng chỗ này mà cả vùng biển VN theo đúng Công ước Luật biển năm 1982.

Có những quốc gia nhỏ luôn bị đe dọa bởi các nước xung quanh nhưng họ có nền khoa học rất mạnh mẽ, không chỉ kinh tế mạnh mà khoa học quốc phòng cũng mạnh. Trả lời cụ thể phải làm gì thì rất nhiều, mỗi nhà khoa học ở đây đều biết mình phải làm gì.

Giảng viên sinh học - ĐH KHTN - ĐHQG TP HCM: Với tình hình phức tạp hiện nay ở biển Đông, thực lực VN hiện nay thế nào? Tình hình phức tạp như vậy thì Phó Thủ tướng có tin tưởng chúng ta có đủ khả năng đương đầu giải quyết không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiềm lực khoa học của nước ta còn rất yếu. Nếu chúng ta so tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học quốc phòng của mình thì chắc chắn chúng ta rất yếu.

Nhưng chúng ta cũng đừng quên lịch sử VN mấy ngàn năm, nhất là trong thế kỉ 20 luôn phải đương đầu đấu tranh với thiên tai, ngoại xâm mà tất cả các thế lực ngoại xâm đều lớn mạnh hơn ta rất nhiều lần. Nhưng đến hôm nay dân tộc ta vẫn trường tồn và đứng vững, ngay trong thế kỉ 20 chúng ta cũng đã chiến thắng rất nhiều kẻ thù mà rất nhiều người cho rằng chúng ta không thể chiến thắng được.

Trước hết dân tộc chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn, vô song, đoàn kết một lòng, chúng ta có chính nghĩa, không quản hi sinh, khó khăn nhưng cũng không được quên là chúng ta vô cùng trí tuệ. Bằng những điều đó chúng ta đã chiến thắng.

Sự kiện lần này không chỉ là sự kiện duy nhất trong quá khứ và kể cả trong tương lai. Đất nước chúng ta luôn luôn phải đương đầu với những thách thức như vậy. Nhất định chúng ta sẽ đứng vững, sẽ bảo vệ độc lập, chủ quyền của chúng ta.

Tiềm lực của chúng ta còn yếu, nên trách nhiệm của những nhà khoa học ngồi đây phải làm khoa học cho tốt hơn, nhà quản lý phải quản lý tốt hơn, bất kể ai đều phải làm tốt hơn công việc của mình thì dân tộc mới mạnh được.

Hoàng Sa là của Việt Nam

Nguyễn Thanh Hiền - Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN):

Tôi là nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu tài nguyên sinh vật biển. Tôi đã làm 10 năm nay. Tôi bám biển đảo giống như ngư dân của chúng ta. Chúng tôi đang dùng ngòi bút với những công bố quốc tế để chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa “sẽ là” của VN. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi, hiện chúng tôi đang làm đề án 47, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá đa dạng sinh học cũng như tài nguyên sinh học tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và toàn bộ vùng biển VN. Nhưng hiện nay, khi TQ tiếp tục hung hăng như thế, các tàu cá bị tấn công và lực lượng tàu cảnh sát biển của chúng ta cũng đang bị nhũng nhiễu... thì liệu các nhà khoa học chúng tôi khi ra biển đảo để thu mẫu có được bảo vệ không? Chính phủ có chính sách gì? Ví dụ nếu TQ tiếp tục hung hăng, chúng ta có sử dụng biện pháp mạnh hơn để đối phó và bảo vệ cho các nhà khoa học cũng như bảo vệ cho ngư dân không?

Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân: Hoạt động khoa học mang tính dân sự thuần túy, các hoạt động khoa học nếu diễn ra ở những vùng biển có những vấn đề phức tạp thì các đồng chí cứ tiếp tục tiến hành, chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho các đồng chí bên cảnh sát biển, kiểm ngư hoặc Bộ Quốc phòng hỗ trợ trong việc đưa tàu ra lấy mẫu nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu này cũng là bằng chứng pháp lý quan trọng để khẳng định chủ quyền của chúng ta.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hoàng Sa là của VN. TQ đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa, chúng ta nhất định phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi theo đúng luật pháp quốc tế.

Biển của VN theo đúng Công ước về Luật biển năm 1982 bao gồm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, có các ngư trường truyền thống. Chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế không chỉ thuận lợi cho các phương tiện VN mà còn cho các phương tiện quốc tế. Các phương tiện VN đều được bảo vệ. Bà con ngư dân vẫn bám biển bám ngư trường, dù có chuyện này chuyện khác. Bà con ngư dân bám được biển thì nhà khoa học cũng bám biển được.

'Có thứ quý hơn vàng'

Nguyễn Đình Tứ - Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN): Phó Thủ tướng có bình luận gì về “16 chữ vàng” và “4 tốt” trong quan hệ với TQ? Chính sách đối ngoại của VN với TQ có thay đổi sau sự việc này không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính sách đối ngoại của chúng ta rất rõ và nhất quán: Đa phương hóa, đa dạng hóa. Chúng ta muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các dân tộc, các nước trên thế giới và VN sẽ là thành viên tích cực của cộng đồng thế giới.

Đối với nước bạn láng giềng TQ, Đảng và Nhà nước 2 nước đưa ra 16 chữ vàng tốt đẹp và chúng ta phải cùng nhau xây dựng, củng cố mối quan hệ theo đúng phương châm đề ra trong 16 chữ vàng và “4 tốt”.

Trong quá trình xây dựng và củng cố mối quan hệ đó đương nhiên sẽ có khó khăn và thách thức. Phía VN luôn luôn thực tâm, chân thành và nỗ lực hết sức để phấn đấu xây dựng mối quan hệ trên 16 chữ vàng đó và chúng ta luôn mong rằng phía TQ cũng như vậy.

Chúng ta phải phấn đấu hướng tới những điều đó. Những chữ đó là những chữ vàng, nhưng có thứ còn quý hơn cả kim cương lẫn vàng là lời Bác Hồ nói, có 4 chữ thôi, đó là “độc lập tự do”. Bác Hồ đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Chúng ta trân trọng nâng niu tình hữu nghị giữa hai dân tộc, chúng ta chân thành, thực tâm và nỗ lực hết mình để xây dựng mối quan hệ dựa trên 16 chữ vàng đó. Nhưng độc lập tự do dân tộc là điều quý giá nhất. Chúng ta làm sao vừa xây dựng được mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, đặc biệt với nước bạn láng giềng TQ trên 16 chữ vàng nhưng đồng thời phải giữ được độc lập, tự do.

Cái chúng ta cần không chỉ là lòng yêu nước, sự sẵn sàng hi sinh mà cần cả sự sáng suốt, tỉnh táo, trí tuệ. Trong tất cả các cuộc kháng chiến ngàn năm trước đây ta thắng có nhiều yếu tố nhưng trong đó có trí tuệ, không thể là bột phát hay quá khích. Các bạn hãy tin rằng Nhà nước ta có những bước đi khoa học, chắc chắn để làm những điều như tôi vừa nói.

Kiên trì giải pháp hòa bình

Nguyễn Linh Giang - Viện Nhà nước và pháp luật (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam): Hiện nay Chính phủ ta có chủ trương kiện TQ ra tòa án về luật biển quốc tế hay không?
{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Độc lập tự do và chủ quyền là thiêng liêng, quý giá. VN có rất nhiều giải pháp và đều tuân theo luật pháp quốc tế, song trước hết chúng ta phải dùng kiên trì dùng giải pháp hòa bình. Trong giải pháp hòa bình thì chúng ta có nhiều giải pháp, nhưng trước hết bằng đường ngoại giao trao đổi với nhau và hiện nay chúng ta vẫn thường xuyên trao đổi.

Có bạn nói kiện ra tòa cũng là giải pháp hòa bình, điều đó là hoàn toàn đúng. 2 láng giềng với nhau, anh lớn hơn tôi, anh không phải với tôi thì chúng ta nói chuyện đã, rồi chúng ta nhờ hàng xóm và mọi người cùng có ý kiến. Cùng cực không thể nói chuyện với nhau được thì lúc đó mới mang nhau ra tòa.

2 anh hàng xóm phải mang nhau ra tòa, người VN mình có câu “bát nước đã đổ xuống lấy lại rất khó”. Vì thế chúng ta kiên định kiên trì trao đổi bằng con đường ngoại giao để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Tôi xin khẳng định tất cả các giải pháp theo luật pháp quốc tế để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của VN đều được Đảng, Nhà nước hết sức chú trọng và các cơ quan chức năng nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Và tôi tin rằng chúng ta đều có chuẩn bị, tất cả mọi phương án, lúc nào làm phương án nào chúng ta phải tính toán rất kỹ, rất chiến lược. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, trí tuệ. Bằng giải pháp hòa bình, chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi.

Chúng ta làm sao vừa phải bảo vệ được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ vừa phải giữ được hòa bình để phát triển. Hòa bình ở đây không chỉ cho VN mà còn cho khu vực và thế giới. Có khoảng 2/3 số lượng hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển có đi qua Biển Đông, như vậy chỉ cần xung đột sẽ ách tắc lại làm ảnh hưởng đến cả thế giới. Nên trách nhiệm của VN không chỉ cho mình mà còn cho cả khu vực và thế giới.

Tôi khẳng định là chúng ta kiên định, tỉnh táo, trí tuệ, có lòng tin là tất cả những việc đó đã được Đảng, Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu. Chúng ta chuẩn bị mọi phương án, phương án nào cũng tính toán rất kỹ, rất trí tuệ.

Yêu nước nhưng phải tỉnh táo

Phạm Thế Chuyền - Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam): Trước những động thái của TQ và những cuộc diễu hành phản đối đang diễn ra, liệu quốc gia đang lâm nguy không và điều lo lắng lớn nhất hiện nay của Phó Thủ tướng là gì?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Biểu hiện lòng yêu nước có rất nhiều hình thức. Học tập và làm việc thật tốt cũng là một biểu hiện, trong đó có cả những hình thức như mít tinh, diễu hành. Nhưng thể hiện lòng yêu nước dưới hình thức nào và như thế nào?

Như tôi đã nói, chúng ta cần sáng suốt tỉnh táo, trí tuệ, kể cả các nhà khoa học. Tôi khẳng định việc TQ kéo giàn khoan vào cùng đặc quyền kinh tế VN trái pháp luật quốc tế thì các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chỉ đạo kịp thời trên tinh thần giữ được môi trường hòa bình nhưng phải giữ được chủ quyền quốc gia, không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia để lấy hòa bình.

Nhưng chúng ta phải rất tỉnh táo.

Những ngày vừa qua ở một số nơi có một số người thể hiện lòng yêu nước một cách bột phát do không hiểu hết được vấn đề, có một số người đã bị kích động và cũng có một số kẻ kích động vi phạm pháp luật. Nhà nước đã có chỉ đạo phải xử lý nghiêm những kẻ kích động, manh động vi phạm pháp luật. Chúng ta tuyên truyền để người dân không bị kích động mắc mưu kẻ xấu.

Chúng ta thể hiện lòng yêu nước nhưng đồng thời phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội và giữ cho được hình ảnh hòa bình, khát khao hòa bình và chính nghĩa của dân tộc VN. Đất nước có giàu mạnh mới có tiềm lực và điều kiện bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Cẩm Quyên