- Nếu đạt thành tích xuất sắc, giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội, các trí thức trẻ có thể được điều động lên những vị trí cấp cao hơn, không cần chờ hết 5 năm dự án - Bí thư Trung ương Đoàn Dương Văn An cho biết.

Từ ngày mai (25/4), Trung ương Đoàn bắt đầu tiếp nhận hồ sơ dự tuyển cho dự án đưa 600 trí thức dưới 30 tuổi có trình độ đại học trở lên về làm phó chủ tịch các xã thuộc 62 huyện nghèo nhất nước. 

Không phải để tập sự

- Sau khi được tuyển chọn, các trí thức trẻ sẽ được đào tạo những kỹ năng gì để đảm nhận chức vụ phó chủ tịch xã?

Nội dung đào tạo cụ thể do Bộ Nội vụ phụ trách. Các trí thức trúng tuyển sẽ được bồi dưỡng về nội dung quản lý nhà nước cấp xã, chức năng quyền hạn và tiêu chuẩn của phó chủ tịch UBND xã, kỹ năng quản lý cơ bản của chức vụ này, đi thực tiễn cơ sở… Các ứng viên đều có trình độ đại học, sau hai tháng đào tạo, tôi tin họ sẽ đủ khả năng, điều kiện bắt đầu đảm đương trọng trách.

Về địa phương công tác cũng là quá trình tiếp tục đào tạo. Chủ tịch xã và các cán bộ UBND sẽ là những người thầy của họ. Sinh viên mới ra trường chắc chắn chưa thể làm tốt ngay, nhưng họ sẽ vừa làm việc vừa đúc rút kinh nghiệm.


Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn Dương Văn An.
Ảnh: Tất Đạt

- Biết rằng vừa học vừa làm, nhưng đã làm thì phải có kết quả. Có tiêu chí đánh giá hay yêu cầu nào đặt ra cho quá trình công tác của các trí thức trẻ không?

HĐND xã sẽ đánh giá và theo dõi mức độ hoàn thành công việc của phó chủ tịch căn cứ theo nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Các trí thức trẻ không phải cam kết không tham nhũng, không nhận hối lộ… nhưng nếu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Vậy họ có được trao thẩm quyền thực sự không?

Họ đã làm là phải làm thật. Họ không phải là cán bộ trên đưa về địa phương để tập sự. Các xã trong khuôn khổ dự án đều đang chỉ có một phó chủ tịch, họ đều có nguyện vọng và nhu cầu thực tế đối với cán bộ có trình độ, năng lực, làm được việc.

- Sau 5 năm làm việc, họ có cơ hội trở thành công chức và đảm nhận các vị trí công tác cao hơn. Vậy cơ hội này sẽ chỉ được cân nhắc khi họ có nguyện vọng hay sẽ có cơ chế theo dõi và quy hoạch những người có năng lực?

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu đạt thành tích xuất sắc, giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, đã làm việc không dưới 36 tháng, họ có thể được điều động lên những vị trí cao hơn đang có nhu cầu, chẳng hạn cấp huyện, không cần chờ hết 5 năm.

Ngoài mức thu nhập có thể đạt 4 triệu đồng/tháng, họ còn được ưu tiên khi xét tuyển công chức. Ngược lại, sau 5 năm, nếu không muốn làm tiếp trong hệ thống chính quyền, họ có thể xin ra theo chế độ thôi việc.

Từ khi trí thức trẻ được đưa về địa phương đến khi kết thúc 5 năm tham gia dự án, họ được kiểm tra, đánh giá định kỳ 6 tháng, nếu có khúc mắc, khó khăn sẽ sớm được giải quyết, hỗ trợ.

Nhiều phó chủ tịch huyện dưới 30 tuổi 

- Nhiều địa phương đã trải thảm đỏ mời nhân tài, trí thức trẻ về, nhưng hiệu quả chưa thực sự cao. Bên cạnh thu nhập, môi trường làm việc và cơ hội thể hiện cũng là những rào cản. Chương trình này của Đoàn có điểm gì mới để khắc phục?

Dự án này nhắm đến thanh niên, những người có tính xung kích và tinh thần tình nguyện cao. Nếu không phải là thanh niên, những vùng khó khăn như vậy kể cả trải thảm đỏ chưa chắc mời được người tài về. Dự án cũng muốn tìm những ứng viên ưu tú - sự ưu tú không chỉ ở thành tích học tập, mà còn ở phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm.

Thảm được trải ở đây là một cơ hội được chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để trở thành một phó chủ tịch xã. Đó cũng là một vinh dự mà nếu không phải ứng viên dự án, chưa chắc nhiều người tuổi dưới 30 tuổi có thể có một cương vị như thế.


Nếu không phải là thanh niên, những xã nghèo kể cả trải thảm đỏ chưa chắc mời được người tài về. Ảnh: Hà Nội mới

- Mục đích của chương trình là tuyển chọn trí thức trẻ về làm việc tại những địa phương nghèo nhất nước, Trung ương Đoàn dự kiến số lượng đơn đăng ký có nhiều không? 

Chúng tôi dự đoán đông bạn trẻ sẽ dự tuyển. Nguồn nhân lực tại địa phương thường ít, bản thân họ đang thiếu hụt cán bộ, do vậy sẽ có nhiều đơn đăng ký từ những nơi có điều kiện tập trung nhiều trí thức trẻ.

Mặc dù đó là những xã nghèo, nhưng qua nhiều chương trình đưa bạn trẻ thành phố về nông thôn, vùng sâu vùng xa, chúng tôi nhận thấy các bạn trẻ tham gia đông đảo, đều trưởng thành và được tiếp tục bố trí công tác.

- Các quy định về độ tuổi và phải là đoàn viên hoặc đảng viên có hạn hẹp quá không?

Dưới 30 tuổi không phải quá trẻ. Thực tế nhiều người đã là phó chủ tịch huyện ở độ tuổi này.

Đây còn là một dự án đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu dài hơi là đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ năng lực, nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp xã cũng như qua đó, xây dựng được cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trẻ.

Dự án xuất phát từ sáng kiến của Trung ương Đoàn, ban đầu là đưa 1.000 công chức trẻ về hoạt động tại cơ sở, sau được Thủ tướng phê chuẩn thành chương trình tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú để giải quyết nhu cầu nhân lực lãnh đạo cấp bách của các địa phương. Do đó, Đoàn ưu tiên đoàn viên của mình, những người đáng tin cậy về tính xung kích và tinh thần tình nguyện.

- Con số 600 trí thức trẻ được tuyển chọn có phải là một con số cố định?

Dự án không nhằm giải quyết việc làm hay tìm đủ phó chủ tịch cho những xã còn thiếu, nhưng tuyển chọn được đủ 600 người là lý tưởng.

Dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã” do Bộ nội vụ phối hợp với Trung ương Đoàn thực hiện.

Giai đoạn thử nghiệm (2011-2012) sẽ có 100 trí thức trẻ được bố trí về 100 xã thuộc 5 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum.

Đối tượng tham gia: Thanh niên dưới 30 tuổi quốc tịch Việt Nam, là đoàn viên hoặc đảng viên; có trình độ ĐH thuộc các chuyên ngành phù hợp, ưu tiên các chuyên ngành kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nông - lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, luật; có đạo đức và sức khỏe tốt.

Dự án cũng ưu tiên người thuộc tỉnh có huyện nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số, người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc có kinh nghiệm quản lý hành chính.

Người trúng tuyển sẽ làm việc theo phân công trong ít nhất 5 năm. Trường hợp được bố trí, sử dụng vào các vị trí khác thì thời gian làm việc trong dự án cũng không dưới 3 năm.

Mẫu đơn và sơ yếu lý lịch để lập hồ sơ đăng ký có tại trang web Bộ Nội vụ (moha.gov.vn) hoặc TƯ Đoàn (doanthanhnien.vn).

Bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ ngày 25/4/2011.

Thủy Chung - Tất Đạt