- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno Aquino chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông.


Phát biểu với báo chí sau hội đàm chiều nay với Tổng thống Philippines Aquino ở Manila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay hai nhà lãnh đạo đã cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông, trước việc TQ tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Benigno Aquino III. Ảnh: Nhật Bắc

“Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu TQ chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với báo giới.

Hàng loạt nỗ lực ngoại giao của VN

Tiếp tục tham vấn Philippines về những diễn biến đặc biệt nguy hiểm trên Biển Đông hiện nay là nỗ lực ngoại giao tiếp theo của Chính phủ.

Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với người đồng cấp Singapore, LB Nga, Indonesia và mới nhất là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Thông điệp ngoại giao nhất quán của Việt Nam khẳng định TQ đã tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.

Ngày 20/5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và gửi đến Văn phòng LHQ tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva.

Trước đó, hôm 7/5, Việt Nam lưu hành công hàm tại LHQ phản đối TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển chủ quyền của VN.

VietNamNet từng đặt câu hỏi về khả năng liệu VN có dự định đưa vấn đề ra thảo luận tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ theo quy định tại điều 11, khoản 2 của Hiến chương LHQ. Hoặc hoan nghênh các nước đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an theo điều 34, 35 của Hiến chương LHQ hay không?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trả lời VietNamNet: “Tùy vào diễn biến tình hình, VN sẽ tính đến biện pháp phù hợp. Biện pháp phóng viên nêu, các biện pháp ở Đại hội đồng LHQ, Hội đồng Bảo an đã được tính đến và sẽ được áp dụng trong diễn biến phù hợp”.

Xuân Linh (từ Manila)