- Dự luật Tòa án ND sửa đổi muốn tăng tính độc lập cho tòa bằng cách lập tòa án khu vực, bỏ tòa án huyện, nhưng các ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo tờ trình của ban soạn thảo, việc thay đổi mô hình tổ chức này cũng có một tác dụng nữa là tiết kiệm chi phí.

Thảo luận tại tổ chiều nay (22/5), ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đồng tình lập tòa án sơ thẩm khu vực: "Tòa án không gắn với đơn vị hành chính, vì phụ thuộc địa phương dẫn đến liên quan quyền lợi của thẩm phán, dễ bị chi phối".

Nếu việc thành lập tòa án khu vực gây khó khăn về đi lại cho dân, dự thảo luật kiến nghi biến các trụ sở tòa án huyện hiện nay thành các phòng tiếp dân, giảm bớt thủ tục khi đến tòa, bà Lan nói.

{keywords}
ĐB Đào Thị Xuân Lan. Ảnh: Minh Thăng

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng ủng hộ tổ chức tòa án sơ thẩm khu vực thay vì cấp huyện để làm nhiệm vụ điều động được thẩm phán, "tránh tình trạng một huyện không có nhiều vụ việc mà bộ máy cũng giống nơi mỗi năm có hàng trăm ngàn vụ việc, tránh rập khuôn hình thức".

Tuy nhiên, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thấy việc tổ chức tòa án khu vực hay tòa án cấp huyện là vấn đề vô cùng phức tạp.

"Vấn đề quan trọng nhất của tòa án là tính độc lập của thẩm phán khi xét xử, chứ không phải tính độc lập của tòa. Tòa án cấp huyện hiện nay chỉ vướng án hành chính (dân kiện quan thôi). Trong điều kiện này thì làm sao cho tính độc lập của thẩm phán cao, chứ một cuộc điện thoại thôi thì ngồi đâu cũng bị chi phối, sự độc lập của thẩm phán là quan trọng hơn cả", ông Đương nói.

ĐB Đào Tiến Sinh (Hòa Bình) không đồng ý tòa án khu vực vì mô hình này chưa được nghiên cứu kỹ, có ở các nước không có nghĩa là có thể áp dụng ngay ở VN.

"Giải trình của ban soạn thảo về tác dụng nâng cao tính độc tập, tôi thấy khiên cưỡng. Hiện đã thống kê được bao nhiêu vụ có sự can thiệp của địa phương, hay việc nay chỉ do cơ quan soạn thảo tự nghĩ ra. Tôi thấy đây không phải điều đáng lo, vì các tòa án huyện cũng biết vị trí của mình, thời đại thông tin ngày nay việc can thiệp cũng không dễ dàng", ông Sinh phân tích.

Hơn nữa, biến các trụ sở tòa án huyện thành nơi tiếp dân thì không đạt mục đích tiết kiệm, theo ĐB Hòa Bình, chưa xác định được hiệu quả và khó khăn khi triển khai mô hình mới thì chưa nên làm vội.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cũng cho rằng để đảm bảo tính độc lập của tòa án cũng cũng như tính độc lập của thẩm phán, quan trọng nhất là con người. Về địa vị pháp lý, điều kiện làm việc, đãi ngộ… phải đảm bảo họ yên tâm làm việc khách quan, thượng tôn pháp luật.

C.Hoàng - C.Quyên