- Một chuyến đi, hai sự kiện riêng rẽ cùng chia sẻ một nội dung lớn bao trùm là Biển Đông, những nỗ lực ngoại giao tại Manila của Thủ tướng nhằm thông tin cho thế giới về mối đe dọa với hòa bình khu vực.


Một nghị trình Biển Đông chưa từng có tiền lệ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thăm song phương cũng như đa phương khi vấn đề này trở thành chủ đề bao trùm các hoạt động của người đứng đầu Chính phủ trong chuyến thăm làm việc Philippines cũng như dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 ở Philippines tuần qua.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Cho đến 21/5 khi Thủ tướng đến Manila, cũng là 20 ngày kể từ khi hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế VN, TQ vẫn bất chấp thiện chí ngoại giao của VN. Bắc Kinh vẫn tiếp tục gia tăng sức mạnh, tiếp tục thực hiện các hành động uy hiếp và xâm phạm trong vùng biển chủ quyền của VN.

Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở sân bay quốc tế Ninoy Aquino, Manila trưa 21/5 không chỉ có đại diện ngoại giao của Philippines. Đứng đầu thảm đỏ là hàng chục phóng viên các hãng thông tấn, báo chí quốc tế và Philippines đã chờ sẵn. Lực lượng an ninh của Philippines đã có buổi làm việc khá vất vả trước rừng báo chí tác nghiệp.

Chưa đến 7h30 sáng 22/5, chiếc xe đạp mini hồng có giỏ phía trước lèn chặt các nhật báo của Philippines dựng ở khu vực ăn sáng của khách sạn Sofitel ở Manila - nơi ở của Thủ tướng và đoàn Chính phủ VN - gần như không còn tờ nào, chưa kể các nhật báo được khách sạn phát đến tận tay từng khách đang trú tại đây.

Trong khi các nhật báo lớn Philippines chạy trang nhất, trang mạng của các hãng thông tấn quốc tế lớn, Philippines và các nước trong khu vực đăng hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những phát biểu liên quan vụ giàn khoan Hải Dương 981 của TQ trong cuộc họp báo với Tổng thống nước chủ nhà buổi chiều trước đó (21/5).

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một cuộc họp báo quốc tế do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh chủ trì diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á để đáp ứng như cầu thông tin của báo chí quốc tế sau những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cả trong sự kiện song phương và đa phương ở Manila.

2 trong số hàng chục hãng thông tấn quốc tế (AP, Reuters) có cơ hội độc quyền gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những câu hỏi xung quanh vụ việc, thậm chí thẳng thắn đặt vào tổng thể quan hệ Việt - Trung để xem xét.

Là nguyên thủ quốc gia lần đầu tiên trao đổi trực tiếp với báo chí quốc tế kể từ khi TQ hạ đặt giàn khoan trái phép, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh thông điệp rõ ràng cho toàn thế giới biết rằng, VN quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước và sẽ không chấp nhận một mối quan hệ hữu nghị viển vông, lệ thuộc. Một thông điệp rõ ràng cho thế giới thấy rõ quan điểm của VN trong việc giải quyết những căng thẳng hiện nay tại Biển Đông.

Trong sự kiện song phương, cuộc hội đàm hẹp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống nước chủ nhà Aquino kéo dài gấp đôi thời gian dự kiến mà sự chi phối chính là những căng thẳng diễn ra trên Biển Đông.

Hai bên đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông, trước việc TQ tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của VN.

Không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. Đưa vụ việc nghiêm trọng của TQ vào Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á ở Manila, Thủ tướng đã nhận được những chia sẻ của đông đảo đại biểu quốc tế.

Với 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông, bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.

Trong gần tròn 3 thập kỷ đổi mới, sự ổn định chính trị xã hội luôn là điểm cộng đầu tiên của VN trong thu hút đầu tư FDI, nền tảng cho hội nhập vào kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định FTA, liên kết kinh tế song phương và đa phương.

Sự đe dọa trực tiếp đang diễn ra đối với VN ở Biển Đông cũng chính là thách thức, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Phát ngôn ở diễn đàn thích hợp, cảnh báo về một mối đe dọa thật sự liên quan đến hòa bình, ổn định của khu vực là sự thể hiện cách ứng xử chính nghĩa, trách nhiệm của một quốc gia muốn đóng góp duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Một chuyến đi, hai sự kiện riêng rẽ cùng chia sẻ một nội dung lớn bao trùm là vấn đề Biển Đông, những nỗ lực ngoại giao tại Manila của Thủ tướng nhằm thông tin cho thế giới, cộng đồng quốc tế về mối đe dọa TQ đối với hòa bình và ổn định khu vực.

Xuân Linh