Dẫn lại chuyện sập mỏ đá Lèn Cờ làm 18 người chết, ông Nguyễn Xuân Hiên, Giám đốc công ty TNHH Ngọc Thạch (Hòa Bình) hy vọng nghị định thi hành Luật khoáng sản sửa đổi sẽ đưa ra quy định hạn chế tình trạng khai khoáng bừa bãi, coi nhẹ tính mạng người lao động.

Phòng thương mại - Công nghiệp Việt Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường sáng nay (22/4) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp với dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật khoáng sản và đấu giá quyền khai khoáng.

Ban soạn thảo kỳ vọng, những quy định mới trong dự án luật sửa đổi sẽ góp phần hạn chế tình trạng xin - cho, khai thác tận thu khoáng sản, khai thác lậu đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia.

Tránh khai thác bừa bãi

Điều hành một DN khai thác đá ở Hòa Bình, ông Nguyễn Xuân Hiên kể, chính bản thân ông cũng "bất bình" trước tình trạng cấp phép khai thác tràn lan, xâm hại đến môi trường. Những mỏ đá đẹp dọc đường Hồ Chí Minh đều đã cấp phép cho DN khai thác, phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến đường quan trọng này.

Ông Nguyễn Xuân Hiên: Nhiều doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá xong đã khai thác rất bừa bãi. Ảnh: Lê Nhung
"Cũng là một DN khai thác đá, nhưng chứng kiến tình trạng khai thác tràn lan như vậy, tôi cũng thấy đau  lòng", ông Hiên nói.

Theo ông, trong những khu vực cấm khai khoáng phải bổ sung thêm danh mục các mỏ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Mặt khác, cấp phép khai khoáng không chỉ thông qua mỗi biện pháp "siết" đầu vào bằng hình thức đấu giá mà quan trọng hơn là khâu quản lý sau đó, để tránh tình trạng khai thác  bừa bãi, không tính đến an toàn tính mạng người lao động như hiện nay.

Mới đây, trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng an toàn lao động trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở Nghệ An, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh thành trên cả nước phải khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động khoáng sản, an toàn lao động tại các mỏ khai thác khoáng sản làm vật liêu xây dựng. Nếu phát hiện các mỏ đá có biểu hiện vi phạm phải kiên quyết đình chỉ hoạt động.

Tuy nhiên, ông Hiên cho rằng, đây chỉ là đợt tổng kiểm tra của Chính phủ. Về lâu dài cần bổ sung thêm những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn nữa vào nghị định. "Tránh hiện tượng DN nhận giấy phép xong là đưa ngay máy khoan vào mỏ, không tính gì đến an toàn tính mạng công nhân, không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật", ông Hiên nói.

Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Chánh văn phòng Bộ TN&MT, giá khởi điểm đấu giá được xác định bằng giá trị phần trăm trữ lượng khoáng sản. Người tham gia sẽ phải nộp một khoản tiền đặt cọc trước. Mọi phiên bán đấu giá đều phải do Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản điều hành theo đúng trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định; Hội đồng đấu giá  cấp bộ do Bộ trưởng TN&MT quyết định thành lập có thành phần gồm đại diện các bộ.

Minh bạch, công tâm

Mục đích đấu giá quyền khai thác khoáng sản là để xóa bỏ tình trạng xin - cho, không bình đẳng giữa các nhà đầu tư, hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án.

TS Nguyễn Thành Sơn: Nên lập Hội đồng tư vấn quốc gia về khai khoáng. Ảnh: Lê Nhung
Đấu giá quyền khai thác được kỳ vọng là một quy định mới mang tính đột phá của đạo luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan ngại rằng nếu không kiểm soát tốt thì ngay cả trong đấu giá cũng nảy sinh tiêu cực. Do vậy, nghị định phải chú trọng đến các quy định nhằm lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, tránh để quyền khai thác rơi vào tay những kẻ “buôn” giấy phép.

GS Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam phân tích, "nghị định chỉ ghi là phải bảo đảm nguyên tắc công khai, khách quan, bình đẳng giữa các  bên, nhưng theo tôi phải thêm chữ minh bạch để tỏ rõ sự công tâm, liêm khiết khi đấu giá tài sản nhà nước. Ban soạn thảo quy định chỉ tiến hành đấu giá khi có ít nhất hai tổ chức, cá nhân tham gia nhưng như vậy vẫn quá ít, xác suất thắng lợi 50% sẽ thiếu tính cạnh tranh, kết quả đấu giá không cao so với giá khởi điểm sẽ dẫn đến thiệt hại cho nhà nước".

Theo ông Thuận, để tổ chức một phiên đấu giá phải có ít nhất ba tổ chức, cá nhân đăng ký.

TS Nguyễn Thành Sơn (Giám đốc công ty Năng lượng sông Hồng) cho rằng không nên chỉ áp dụng hình thức đấu giá với các dự án mới, các mỏ chưa khai thác "vì hầu hết các khoáng sản quý giá của chúng ta đều đã giao DN khai thác gần hết".

Ông Sơn đề xuất, hình thức đấu thầu khai thác một cách rộng rãi sẽ hiệu quả hơn là đấu giá: "Khi thăm dò nên áp dụng cách đấu giá, còn sang giai đoạn khai thác nên tiến hành đấu thầu". Thực tế, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN vẫn giao thầu khai thác than cho các mỏ nhưng chưa hiệu quả, chỉ mang tính chất xin - cho.

Dự thảo hai nghị định sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình Chính phủ thông qua.

  • L.Nhung