- Cuộc họp báo Chính phủ chiều nay tập trung vào diễn biến trên Biển Đông sau khi TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng thềm lục địa của VN.
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên nói:
Những ngày qua, mọi người dân đều thể hiện lòng yêu nước qua hành động, việc làm cụ thể.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên |
Phát biểu bế mạc hội nghị TƯ lần 9, Tổng bí thư đã nói, tình hình ở Biển Đông đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đoàn kết một lòng, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc đồng thời cố gắng giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch QH trong phiên khai mạc kỳ họp QH đã phát đi một thông điệp 4 điểm.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng, lập trường xuyên suốt.
Tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất kết luận một mặt chúng ta đấu tranh kiên quyết nhưng vẫn giữ môi trường hòa bình. Dân tộc chịu đau thương, mất mát vì chiến tranh nên cố gắng tránh chiến tranh.
Tình hình sục sôi tháng 5 làm cho đồng bào, nhân dân phẫn nộ trước hành động đưa giàn khoan 981 của TQ đặt sâu trong vùng biển chủ quyền của VN.
Trong phiên họp, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Tháng 5, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng tăng thấp, chỉ 1,08% so với cuối 2013.
Xuất khẩu và dự trữ ngoại hối cũng tăng hơn trước.
Tuy nhiên, còn hạn chế, đó là tổng cầu tiếp tục thấp, tín dụng chưa khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư chưa đạt yêu cầu.
Số DN giải thể, phá sản không bằng số lập mới nhưng còn lớn.
Tháng 5, do nhân dân bức xúc phẫn nộ sự kiện TQ đưa giàn khoan vào, đã biểu thị lòng yêu nước, bị kẻ xấu kích động, dẫn đến manh động, vi phạm pháp luật. Dù Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo dập tắt ngay trong đêm tại Bình Dương, Đồng Nai nhưng hậu quả để lại rất đáng tiếc.
Môi trường đầu tư, hình ảnh đất nước từng là niềm tự hào về an ninh tốt, các nhà đầu tư ngưỡng mộ hình ảnh đó, nhưng một bộ phận nhân dân vì sự thiếu kiềm chế, làm ảnh hưởng.
Từ sự chân thành, quyết liệt, chỉ đạo khắc phục khó khăn, chấn chỉnh, lập lại trật tự, đến giờ này các DN trở lại hoạt động bình thường. Hầu hết ở Bình Dương, Đồng Nai đã trở lại hoạt động, chỉ còn một số ít DN chưa phục hồi. Bạn bè DN, các nước cảm kích chỉ đạo của Chính phủ, cam kết không để tái diễn sự việc, ra sức khắc phục, đưa ra giải pháp, kịp thời chia sẻ thiệt hại của DN.
Đã xử lý những người tham gia kích động, trực tiếp gây ra thiệt hại.
Mục tiêu của chúng ta là đấu tranh buộc TQ phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của VN.
Người Lao Động: Vừa qua, trả lời báo chí nước ngoài, Thủ tướng có nói đến khả năng sử dụng biện pháp pháp lý (khởi kiện) đối với TQ. Cụ thể việc này đã tiến hành được đến đâu?
Pháp Luật TP.HCM: Trả lời hãng AP và Reuters, Thủ tướng đã nói “Không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng là độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để lấy thứ hòa bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Trong cuộc họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng có nói rõ hơn ý nghĩa thông điệp của mình không?
Xin hỏi Trung tướng Hoàng Kông Tư: Trong tình huống khẩn cấp xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Áng, phía chính quyền, công an địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Nhưng chúng tôi theo dõi thì thấy số lượng tạm giữ, xử lý không thống nhất, lúc là 800-900, lúc lại 1.000 người. Dư luận rất ủng hộ các biện pháp quyết liệt nhưng nó liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, vừa được Hiến pháp sửa đổi nhấn mạnh. Đề nghị ông Hoàng Kông Tư cho biết tại sao lại có sự khác nhau về những con số đó, hiện số liệu chính thức đang tạm giữ, số đã xử lý hình sự là bao nhiêu?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về biện pháp pháp lý, việc chuẩn bị hồ sơ đã tiến hành từ lâu. Nhưng thực hiện như thế nào và lúc nào thực hiện thì phải cân nhắc hết sức kỹ càng. Lãnh đạo ta đang cân nhắc, tính toán, chọn thời điểm, hoặc thực sự cần thiết mới tính tới giải pháp này.
Thủ tướng đã nói VN đang cân nhắc biện pháp pháp lý. TQ nếu ngồi lại, đàm phán thực hiện yêu cầu đưa ra một cách chân thành thì tình huống có thể khác. Hiện nay ta đang cân nhắc tính toán, chưa thể trả lời rõ thời điểm.
Trong các hoạt động đối ngoại, Thủ tướng đã có những phát biểu. Thủ tướng nói điều ông nói không mới, chỉ thể hiện tinh thần xuyên suốt của Đảng, là người đứng đầu Chính phủ thể hiện tỏ rõ thái độ của mình, góp tiếng nói của mình cho cả thế giới biết quan điểm, thái độ, lập trường của VN.
Bác Hồ dạy "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là bất biến, thiêng liêng không thể đánh đổi, không chỉ hôm nay, mà mãi mãi như thế.
Người dân sục sôi, phẫn nộ hành động ngang nhiên xâm lấn chủ quyền biển đảo, họ biểu thị lòng yêu nước, bị kẻ xấu kích động, trong đó có người kể cả người có dụng ý xấu, đập phá. Lòng yêu nước là chính đáng, cần trân trọng nhưng vượt quá tầm kiểm soát trở thành manh động thì không chấp nhận được.
Trung tướng Hoàng Kông Tư: Ngay sau khi có hành vi vi phạm pháp luật, Bộ Công an đã trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo, huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động để bảo vệ tài sản, tính mạng chuyên gia công nhân nước ngoài, tạm giữ hành chính những người cần giữ ngăn chặn hành vi quá khích. Sau đó khẩn trương phân loại để có biện pháp giáo dục, cam kết, đồng thời Bộ trưởng Công an và lãnh đạo Bộ họp chỉ đạo khẩn trương làm rõ những người tạm giữ.
Đến nay đã xử lý hành chính 526 người có hành vi trộm cắp tài sản, tự giác nộp lại tài sản, thành khẩn khai báo. Còn khởi tố tội danh cướp tài sản, chống người thi hành công vụ làm bị thương 46 đồng chí, các cơ quan đang tiếp tục điều tra để đưa ra xét xử. Hà Tĩnh khởi tố xử 32 đối tượng.
Cho ngư dân vay ưu đãi
Tiền Phong: Đấu tranh giành lại chủ quyền Hoàng Sa là việc rất lâu dài. Vậy Chính phủ đã nghĩ đến việc lập 1 bộ chuyên trách về biển để gom tất cả các lực lượng vào để đấu tranh lâu dài với TQ trong việc đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay chưa?
VTV: Được biết cách đây vài ngày, Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng dự thảo phát triển ngành thủy sản, trong đó đưa ra nhiều ưu đãi hỗ trợ ngư dân bám biển. Cách đây hơn 1 tháng, Thủ tướng đưa ra mức lãi suất ưu đãi 5% cho ngư dân vay trong thời hạn 10 năm. Nhưng một số ý kiến cho rằng mức lãi suất có thể nên là 2-3%, thậm chí có thể là 0%. Xin được hỏi mức lãi suất và các điều kiện hỗ trợ cho ngư dân bám biển đã được xác định chưa? Dự thảo nghị định được cho là xây dựng ngắn nhất trong lịch sử từ trước đến nay khi nào dự kiến sẽ được ban hành?
Ông Nguyễn Văn Nên: Về hỗ trợ thủy sản, Chính phủ đã thống nhất quan điểm để sớm ra đời chính sách này.
Tinh thần chung là tính toán cho vay ưu đãi để phát triển tàu đánh bắt xa bờ, tàu sắt đi xa, ngư dân hiện đang thiếu vốn, cơ chế cho vay khó, nay lãi suất cho vay là 3%/năm trong 1 năm, ân hạn 1 năm. Người đi vay thế chấp thân tàu, có bảo hiểm, khi có rủi ro, Nhà nước có chính sách đặc biệt, nếu rủi ro khách quan hoàn toàn thì sẽ có cơ chế đặc biệt để ngư dân tiếp tục an tâm đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền.
Không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế
Dân Trí: Các chuyên gia nói căng thẳng Biển Đông có thể tác động tới các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cuối năm. Trong phiên họp hôm nay, Chính phủ có bàn tới vấn đề này không?
Hà Nội Mới: Trong phiên họp Chính phủ có tính đến những tình huống thay đổi trong quan hệ thương mại với TQ?
Sài Gòn Giải Phóng: Trong phiên họp, Chính phủ đã tính toán được thiệt hại vì việc đập phá vừa rồi chưa? Chính phủ đã bàn về mức độ ảnh hưởng của sự kiện TQ hạ đặt giàn khoan trái phép và việc đập phá vừa rồi tới các chỉ tiêu ngân sách, kinh tế - xã hội cuối năm chưa?
Ông Nguyễn Văn Nên: Sau khi xảy ra hành động quá khích do biểu tình, Thủ tướng chỉ đạo nhanh chóng các giải pháp khắc phục, hỗ trợ các DN. Chính phủ đã cam kết không để lặp lại sự cố đáng tiếc như vậy.
Các địa phương có DN bị thiệt hại đã đến tận nơi tính toán cụ thể thiệt hại của từng DN, rút ngắn thủ tục bảo hiểm, hỗ trợ đối với công nhân và thực hiện nhiều giải pháp khác. Các DN cảm kích, bày tỏ tiếp tục tin tưởng, đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Các chỉ tiêu sẽ tiếp tục duy trì thực hiện để cuối năm hoàn thành và đến nay Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu nào. Chính phủ có niềm tin vì sự cố đáng tiếc xảy ra đã khắc phục được.
Giao thương biên giới không có gì bất thường
Đời Sống & Pháp Luật: Một số chuyên gia rất lo ngại việc VN xuất khẩu sang TQ 13 tỉ đôla mà nhập khẩu tới 37 tỉ đôla. VN đang nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu máy móc, đồ dùng từ TQ. Ta có đối sách nào nâng cao năng lực của VN trong tình hình như thế này?
Mời xem clip:
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải: Giao thương biên giới Việt - Trung vẫn bình thường, không có gì bất thường. Trong tháng 5, rất mừng là xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt là nông lâm sản và công nghiệp chế biến, hàng hóa dịch vụ cũng tăng.
Về phía TQ, không phải do biến động Biển Đông, thì Đảng và Chính phủ mới nghĩ đến việc tránh phụ thuộc vào một thị trường. Chúng ta nói nhiều về việc VN nhập siêu TQ quá lớn. Nhưng VN nhập khẩu chủ yếu từ TQ những mặt hàng phục vụ sản xuất để xuất sang nước khác, nhập siêu TQ nhưng xuất siêu sang Mỹ, EU và các thị trường khác.
Bên cạnh đó, tăng sản xuất trong nước để đáp ứng nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày máy móc mà dang nhập khẩu từ TQ, hỗ trợ DN trong nước, đã dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhắm đến các thị trường mới... là các biện pháp căn cơ để giảm nhập siêu từ một thị trường. Ngoài ra cần đẩy mạnh người VN dùng hàng VN.
Tuổi Trẻ: Ta đang cân nhắc dùng biện pháp pháp lý. Theo luật pháp quốc tế, một nước có thể phối hợp với nước khác để tăng sức mạnh trong việc sử dụng các biện pháp pháp lý hay không, ví dụ như VN có thể phối hợp với Nhật Bản hoặc Philippines?.
Mời xem Clip:
Phó chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia Trần Duy Hải: Chính sách của VN là không liên minh liên kết với ai để chống ai.
Nhưng đấu tranh pháp lý rất phức tạp, nhiều hình thức, tòa cũng có nhiều loại (công lý quốc tế, luật biển, trọng tài), hình thức cũng nhiều (kiện riêng, tham gia vụ kiện khác)... Để bảo vệ bằng được các lợi ích chính đáng, chúng tôi cũng nghiên cứu tất cả, để tìm phương án tối ưu.
X.Linh - T.Chung - C.Quyên - L.A.Dũng - X.Quý - B.Tuấn - H.Nhì - H.Anh