- Tony Walker, biên tập viên các vấn đề quốc tế của The Australian Financial Review, vừa có bài viết đánh giá những căng thẳng gần đây giữa TQ và các nước láng giềng, nhất là những diễn biến gần đây với VN, trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã khác trước. Ông cho rằng đây là những dấu hiệu để thấy đã đến lúc cần phải xem xét lại khái niệm “trỗi dậy hòa bình” của TQ.
Theo Tony Walker, hành động khiêu khích của Bắc Kinh khi hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ tại vùng biển của VN, với sự hỗ trợ của tàu chiến và các lực lượng bán quân sự khác, không phải là lối hành xử của một thành viên có trách nhiệm trong một hệ thống quốc tế được điều chỉnh bằng luật pháp, cũng không thể hiện đặc tính của một cường quốc muốn giữ nguyên trạng.
Ông nhấn mạnh đây là hành động của một kẻ bắt nạt cấp khu vực, hoàn toàn câm điếc trước những hậu quả mà hành động của mình có thể gây ra.
Tàu TQ vây ép tàu cá của ngư dân Việt Nam. Ảnh: VOV |
Bài báo cho rằng quan hệ hai nước đã xấu đi đến mức tồi tệ, thể hiện xung đột lớn nhất giữa hai nước kể từ khi TQ xâm lược VN năm 1979 nhằm đáp trả cái mà TQ tuyên bố là sự khiêu khích của VN dọc biên giới chung hai nước.
Các nhà tuyên truyền của TQ mô tả cuộc xâm lược năm 1979 là “đánh trả để tự vệ”; và Bắc Kinh đã bị thất bại nặng nề trước một quân đội VN vững vàng vốn đã chiến thẳng đế quốc Mỹ chỉ cách đó vài năm.
Đối với vấn đề giàn khoan, Tony Walker bình luận “chúng ta không thấy TQ cố gắng giả vờ đưa ra bất cứ lý do gì để biện hộ, ngoài việc khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển này; nhưng việc khẳng định này lại không dựa trên các luật quốc tế đã được công nhận mà lại dựa vào sự chắp vá của các tuyên bố của chính TQ từ thế kỷ 15".
Cho rằng TQ có thể tuyên bố là đang tìm cách giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, nhưng thực tế TQ lại luôn không tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển, Tony Walker đặt vấn đề cần có giải pháp để xử lý tính huênh hoang của TQ, vốn đang gây ra sự khó chịu trong khu vực.
Bài báo cho biết, Alan Dupont, giáo sư chuyên ngành an ninh quốc tế tại ĐH New South Wales, gần đây đã tổng kết về các triển vọng của sự trỗi dậy của TQ. Dupont xem các sự kiện diễn ra trong tuần này tại Biển Đông là những diễn biến đặc biệt xấu, thậm chí là ở mức độ báo động. Ông nói “mối lo ngại của tôi là các lãnh đạo TQ hiện nay xem các hành động đơn phương là cách tốt nhất để đạt được cái họ muốn thông qua sử dụng cưỡng bức; các hành động này của lãnh đạo TQ đã cấu thành nên một kiểu hành vi cưỡng bức”.
Dupont cũng khuyến nghị Chính phủ Australia - vốn hiện nay có cách tiếp cận khá thận trọng do lo ngại các lợi ích của Australia tại TQ có thể bị ảnh hưởng - đẩy mạnh ngoại giao khu vực như là một phần trong nỗ lực chung nhằm thuyết phục TQ là việc “đi bắt nạt không mang lại lợi ích”.
Michael Wesley, Giám đốc Học viện an ninh quốc gia Australian cảnh báo là các “lợi ích cấu trúc” của Australia ở Biển Đông, nơi vận chuyển 54% thương mại của Australia, sẽ bị thách thức lần đầu tiên trong lịch sử hậu chiếm đóng của châu Âu ở Australia.
Tác giả bài báo cho rằng các biểu hiện gần đây của một TQ không “trỗi dậy hòa bình” là các yếu tố Australia cần tính đến, làm rõ môi trường chiến lược của mình. Ông đánh giá Australia đang phải đương đầu với một nước láng giềng “khó dự đoán trước”, mà lại là đối tác thương mại lớn của Australia, vào thời điểm mà quyền lực của Mỹ và ảnh hưởng của nước này đang bị giảm sút.
Liên quan một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu TQ đâm chìm, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop phát biểu trên đài truyền hình ABC ngày 27/5, nhận định những diễn biến vừa qua trên Biển Đông sẽ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai nước. “Chính phủ Australia khẩn thiết đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không có thêm những hành động khiêu khích, nhất là những hành động có thể nguy hiểm tới tính mạng con người. Australia không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải”. Bà Bishop cũng nhấn mạnh các yêu sách về lãnh thổ và các quyền đi cùng trên biển phải được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển. |
Hồng Vân (lược dịch )