- Đề nghị về chức danh Tổng thư ký QH trong dự thảo luật Tổ chức QH sửa đổi nhận được sự tán thành của cơ quan thẩm tra.

Tờ trình do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đọc hôm nay (30/5) chỉ ra: Theo quy định của luật hiện hành, QH thành lập đoàn thư ký kỳ họp với trưởng đoàn chính là Chủ nhiệm Văn phòng QH để thực hiện các nhiệm vụ như làm biên bản mỗi phiên họp, biên bản kỳ họp; chuẩn bị thông cáo về phiên họp; tổng hợp ý kiến của ĐB tại kỳ họp...

{keywords}

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương. Ảnh: Minh Thăng

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hoạt động của đoàn thư ký kỳ họp và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức công tác phục vụ hoạt động của QH, dự thảo luật quy định về chức danh Tổng thư ký QH nhằm tổ chức lại các hoạt động hỗ trợ, phục vụ hoạt động QH theo hướng chuyên nghiệp.

"Vai trò của Tổng thư ký QH không chỉ giới hạn trong thời gian các kỳ họp mà sẽ trở thành thiết chế hoạt động thường xuyên của QH giữa 2 kỳ họp. Việc thành lập chức danh này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế", bà Nương cho biết.

Tổng thư ký QH là người đứng đầu Văn phòng QH, thay thế cho chức danh Chủ nhiệm VPQH và trưởng đoàn thư ký kỳ họp hiện nay. Tổng thư ký do QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Tán thành quy định này, UB Pháp luật QH nhận định chức danh Tổng thư ký QH sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đối ngoại và cũng phù hợp với cách thức tổ chức công tác phục vụ các hoạt động chung của nghị viện nhiều nước.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn đây là ĐBQH hay là công chức thuộc bộ máy giúp việc. Ở nhiều nước, Tổng thư ký là công chức hành chính cao cấp nhất trong bộ máy giúp việc của QH.

Dự thảo luật Tổ chức QH sửa đổi cũng muốn nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất 35% tổng số ĐB; đồng thời quy định cụ thể về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần ĐBQH, có cơ chế thu hút những người đủ đức, tài làm ĐBQH.

UB Pháp luật việc nâng số ĐB chuyên trách để cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của QH, thậm chí có ý kiến mong muốn con số phải là 40%.

Chung Hoàng