Một số chuyên gia cảnh báo rằng TQ có thể bị sa lầy ở Biển Đông, gặp rắc rối và lãng phí nguồn lực kinh tế, vốn chính trị và sự ủng hộ của cộng đồng trong và ngoài nước.
Hôm 25/5, Jaime A. FlorCruz, Trưởng Văn phòng thường trú của CNN tại Bắc Kinh trả lời các câu hỏi của độc giả về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông, quan hệ giữa TQ với các nước láng giềng và những gì có thể ẩn chứa đằng sau những tranh chấp gần đây.
Tàu TQ phun vòi rồng vào tàu VN |
VietNamNet lược dịch giới thiệu với bạn đọc một số nội dung:
Ông cho rằng khả năng VN và TQ sẽ giải quyết ổn thỏa tranh chấp lãnh thổ ở mức độ nào?
Có rất ít lý do để lạc quan rằng tranh chấp lãnh thổ giữa VN và TQ có thể được giải quyết sớm trong thời gian tới.
Tôi không thấy Bắc Kinh nhượng bộ về việc này, vì đối với họ đây là vấn đề nguyên tắc và "thể diện". Tôi cũng không thể tưởng tượng là VN sẽ thoái lui, với cùng một lý do.
Liệu có khả năng một sức mạnh bên ngoài có thể giúp hòa giải?
Khó có thể tìm thấy một khả năng như vậy.
Hoa Kỳ không thể là câu trả lời bởi vì Hoa Kỳ là một bên liên quan chính. TQ sẽ không thể coi Hoa Kỳ là một bên hòa giải trung lập và công bằng.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một tổ chức có tiềm năng đứng ra hòa giải, nhưng chính ba trong số các thành viên của Hiệp hội lại liên quan đến tranh chấp với TQ (và với nhau) trên Biển Đông, do đó những gì họ làm được là có hạn. ASEAN giữ vai trò trung lập trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và TQ, nhưng những tranh chấp lãnh thổ này lại đang đặt ra thử thách nghiêm trọng đối với đoàn kết ASEAN.
LHQ cũng ít có khả năng là một tổ chức hòa giải tin cậy. TQ là một thành viên mạnh của Hội đồng Bảo an còn các bên tranh chấp khác thì không.
Chúng ta có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) với các quy định về giải quyết tranh chấp và Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), nhưng hiệu quả sẽ bị hạn chế bởi TQ không muốn tham gia một cơ chế trọng tài như vậy, như trong vụ Philippines kiện TQ. Nó còn bị cản trở bởi một thực tế là Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS.
TQ có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước láng giềng - VN, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, và những nước khác. Theo ông, lãnh đạo TQ quan tâm đến vấn đề cân bằng tất cả các tranh chấp này đến đâu?
Lãnh đạo Bắc Kinh đang quan tâm đến điều mà một số người gọi là môi trường an ninh đang xấu đi xung quanh TQ.
TQ ở vào một tình thế khó khăn, vì những cố gắng khẳng định yêu sách chủ quyền làm suy yếu sức hút cũng như những nỗ lực thực thi quyền lực mềm và kết bạn với các nước của TQ. Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng TQ có thể bị sa lầy ở Biển Đông, gặp rắc rối và lãng phí nguồn lực kinh tế, vốn chính trị và sự ủng hộ của cộng đồng trong và ngoài nước.
Phần lớn căng thẳng ở Biển Đông dường như đều xoay quanh cái gọi là “đường 9 đoạn” của TQ. Nhận định này có đúng không; ông có cho rằng TQ nghiêm túc trong việc thực hiện yêu sách của mình ở một khu vực rộng lớn đến vậy?
TQ cực kỳ “nghiêm túc” về “đường 9 đoạn”, cũng giống như coi trọng việc khẳng định các yêu sách chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi họ vẫn kẹt trong cuộc đối đầu nguy hiểm với Nhật Bản.
Ở TQ, có sự đồng lõa đối với đường lối cứng rắn này. Nhưng về lâu dài, lý lẽ và tính thực dụng phải thắng nếu TQ muốn nghiêm túc tạo dựng hình ảnh một cường quốc đang lên hòa dịu và có tinh thần xây dựng. Cho đến lúc đó, màn kịch ở Biển Đông sẽ vẫn kéo dài và có thể được nhấn nhá bằng các cảnh bạo lực mà chúng ta vừa chứng kiến vài ngày trước.