- Tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật tuyên bố ủng hộ VN trong tranh chấp lãnh thổ với TQ, đồng thời khẳng định, việc sử dụng vũ lực là không thể biện minh.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La khai mạc tối 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: "Chính phủ của tôi ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Philippines khi kêu gọi một giải pháp cho tranh chấp Biển Đông. Chúng tôi cũng ủng hộ Việt Nam trong những nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đối thoại”.
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Nhật cho biết, Tokyo sẽ cung cấp sự “hỗ trợ tối đa” với các nước ASEAN trong nỗ lực "đảm bảo an toàn tại các vùng biển, vùng trời và triệt để duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không".
Tại Đối thoại, ông Abe nói rằng, chính quy định của luật pháp đảm bảo cho sự ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy, các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Hãng tin Kyodo cho hay, ông Abe bày tỏ hy vọng một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ được hoàn tất sớm đồng thời nhấn mạnh, Nhật đang nghiên cứu khả năng cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Tokyo và Bắc Kinh vẫn mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Nhật gần đây thông báo các máy bay chiến đấu TQ đã bay rất gần máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật trong vùng tranh chấp. Để tránh sự cố trên biển, trên không, ông Abe thúc giục TQ giữ lời hứa đưa ra năm 2007 nhằm thiết lập một cơ chế thông tin liên lạc và theo đuổi đối thoại.
Phát biểu của ông Abe - bài phát biểu đầu tiên tại Đối thoại của một lãnh đạo Nhật Bản, trùng khớp với thời điểm ông đẩy mạnh chiến dịch kêu gọi cải tổ hiến pháp hòa bình thời hậu chiến, nới lỏng các hạn chế với quân đội. "Nhật có ý định đóng vai trò lớn hơn và chủ động hơn trong việc để hòa bình châu Á và thế giới trở nên chắc chắn hơn”, Thủ tướng Nhật tuyên bố.
Ông Abe nhấn mạnh rằng, liên minh của Nhật với đồng minh thân cận Mỹ là nền tảng cho sự ổn định trong khu vực, đồng thời cho rằng, Tokyo đang tìm kiếm các mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với những nước châu Á gồm Australia, Ấn Độ và ASEAN.
Ông cũng bày tỏ kế hoạch diễn giải lại điều 9 trong hiến pháp hòa bình để thực hiện quyền phòng thủ tập thể, hoặc trợ giúp quân sự cho một nước thân thiện trong tình huống bị tấn công. "Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên mà không một quốc gia nào có thể tự đảm bảo hòa bình cho riêng mình”, ông nói. "Chính vì Nhật là một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế, nên Nhật mong muốn làm việc chủ động hơn cho hòa bình thế giới”.
Châu Á đang căng thẳng vì vấn đề tranh chấp chủ quyền hàng hải. TQ đã đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông bất chấp một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng có chủ quyền trong vùng biển. Nước này cũng có tranh chấp hàng hải với Nhật ở Hoa Đông.
Tiếp theo ông Abe, thứ bảy 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera sẽ có bài phát biểu kêu gọi TQ thể hiện sự kiềm chế và tôn trọng các quy định của pháp luật.
Đối thoại Shangri-la 2014 - diễn đàn an ninh quan trọng và có uy tín nhất ở châu Á diễn ra từ ngày 30/5 đến 1/6 với sự tham gia của các đại biểu, quan chức đến từ nhiều quốc gia. Hội nghị này là nơi để Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của các nước tại khu vực châu Á - TBD và một số cường quốc khác thảo luận, đối thoại những vấn đề thời sự quan trọng nhất liên quan tới an ninh khu vực. Những năm gần đây, Đối thoại Shangri-la đã trở thành sự kiện hàng năm của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng chủ chốt của 27 nước châu Á - TBD. |
Thái An