- Thảo luận dự thảo luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng (ĐB Thái Nguyên) nói: Thời gian qua dư luận bức xúc nhiều về việc sử dụng vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, để thất thoát nhiều, tiêu cực, tham nhũng.

{keywords}

ĐB Đỗ Mạnh Hùng: Ngân sách là tiền của dân, dân có quyền giám sát. Ảnh: Minh Thăng

Theo ông Hùng, luật mới ra phải khắc phục được biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) chia sẻ khi nói "một khối tài sản khổng lồ của nhà nước chỉ được quản lý bằng các văn bản dưới luật sau khi luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực".

ĐB Trần Văn (Cà Mau) thì thấy sau những đổ vỡ tại các DNNN gần đây, các cán bộ công chức nhà nước liên quan đều vô can, dù trước khi đổ vỡ có hàng chục cuộc thành tra mà vẫn không phát hiện sai phạm. Theo ông Trần Văn, đây là một lỗ hổng trong quản lý mà luật phải lấp được.

Và để làm được điều này, các ĐB muốn luật làm rõ hơn các cơ chế giám sát việc đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng, cần có cơ chế giám sát của người dân: Hiến pháp đã quy định người dân có thẩm quyền và cơ chế để làm việc này.

"Người dân có thể giám sát qua nhiều kênh, nhưng quan trọng nhất là qua QH. QH quyết định việc sử dụng ngân sách, tức là tiền của dân, người dân có quyền giám sát tiền của mình được sử dụng như thế nào", ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), quy định về vai trò của QH trong luật còn quá mờ nhạt: QH dường như đang đứng bên lề một hoạt động cực kỳ lớn.

"Với vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, QH không thể chỉ giám sát như bình thường, mà phải coi như một chương trình lớn hàng năm của QH", ông Trần Du Lịch nói.

Kiểm toán độc lập cũng là một kênh mà ĐB Trần Du Lịch cho là dự thảo luật chưa quy định đầy đủ.

Một kênh giám sát khác mà ĐB Đỗ Mạnh Hùng kiến nghị, chính là tập thể người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp này, do đó luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), Chủ tịch UB giám sát tài chính quốc gia, thì nhấn mạnh sự cần thiết có một cơ quan ngang bộ quản lý và giám sát đối tượng vốn này tại các DNNN.

"Tách riêng được việc này, không trùng với trách nhiệm trực tiếp quyết định việc đầu tư, thì mới tách được nhà nước làm gì và thị trường, tức doanh nghiệp, làm gì. Cơ quan này chỉ làm hai việc: quản lý nhân sự và tài chính. Quản lý tài chính thì bằng các khuôn khổ hoạt động an toàn của việc  đầu tư kinh doanh, trong khuôn khổ đó, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình", ông Ngoạn nói.

ĐB Trần Du Lịch đồng tình luật này phải chấm dứt được tình trạng bộ ngành chủ quản đang là điểm bức xúc nói nhiều mà chưa khắc phục được trong quản lý vốn nhà nước và các DNNN hiện nay.

Chung Hoàng