Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 5/6, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh cho biết, Ban Nội chính đã thực hiện hỗ trợ nguồn tin báo tham nhũng trong một số vụ án lớn như Vinalines, mức hỗ trợ tối đa hiện nay là 10 triệu đồng.

Hiện nay việc tổ chức mua tin trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) được thực hiện ra sao?

Đây là hình thức hỗ trợ cho người cung cấp thông tin tố giác. Tất nhiên chủ trương này phải đảm bảo tính bí mật, an toàn cho những người có đóng góp thông tin. Bên cạnh đó việc chi này cũng đảm bảo đúng mục đích đặt ra, tức là việc này có được những thông tin có giá trị, làm căn cứ cơ sở để chứng minh quá trình khởi tố điều tra.

{keywords}

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh

Như thế có nghĩa là khi có kết quả rồi thì thông tin đó mới được xem xét hỗ trợ?

Không phải thế. Vì chúng ta biết nếu xong rồi hoặc đang điều tra mới hỗ trợ thì không mang tính chất khuyến khích cho người cung cấp nguồn tin. Đây được coi là khoản mật chi. Người đứng đầu các cơ quan PCTN chịu trách nhiệm về nội dung chất lượng, tính hiệu quả và mức độ chi trong từng nguồn tin.

Chắc chắn, hướng dẫn trong các Ban Nội chính ở địa phương hàng năm sẽ phải xây dựng kế hoạch chi, kế hoạch này sẽ được thường trực Tỉnh ủy của các địa phương đưa cân đối vào trong ngân sách. Thậm chí còn được Thường vụ cấp ủy đưa vào kế hoạch chi và sẽ được phân cho các Ban Nội chính tỉnh ủy.

Trong đó, Trưởng Ban Nội chính là người sẽ phải là người chịu trách nhiệm chính về mức chi này theo đúng định mức, chế độ, đặc biệt là giám sát kiểm tra độ tin cậy và giá trị của tin để quyết định mức chi. Và mức tin có giá trị cao nhất cho một tin là không quá 10 triệu. Nguồn chi này lấy từ nguồn ngân sách. Trong quá trình chi thanh toán và quyết toán theo thực tế.

Đã có kinh nghiệm nào nguồn tin được trả bằng tiền và có đóng góp rất lớn trong việc PCTN?

Vừa qua khoản mật chi trong PCTN đã được thực hiện ở các cơ quan PCTN trung ương, Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN trước đây và Ban Chỉ đạo  hiện nay, cơ quan giúp việc trực tiếp là Ban Nội chính Trung ương. Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện chi hỗ trợ và những tin thực sự có giá trị này đã góp phần làm sáng tỏ vụ án.

Trong đó, có những vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm, đẩy nhanh được tiến độ đề ra trong việc truy tố xét xử. Ví dụ như vụ án liên quan đến Vinalines, cụ thể liên quan đến tổ chức cho thuê tài chính với tàu lặn bờ, và các vụ án liên quan đến Dương Chí Dũng đều có sử dụng nguồn tin. Các nguồn tin này đều được chi trả đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chặt chẽ và có hiệu quả.

Mức chi nhiều ít (từ 500 nghìn đến 10 triệu đồng) phụ thuộc vào điều gì, thưa ông?

Cái chính dựa vào độ tin cậy và giá trị của tin.

Hiện có đề xuất việc trả hỗ trợ nguồn tin dựa vào khoản tiền thu được từ tham nhũng?

Vừa rồi thực tiễn đã đặt ra như vậy. Nhưng hiện nay kinh phí mua tin PCTN vẫn dựa vào ngân sách. Việc phụ thuộc này dẫn đến một số thụ động như: dự báo lên kế hoạch chưa chính xác, phụ thuộc vào tình hình kết quả của việc đấu tranh PCTN, sự giác ngộ của các tổ chức cá nhân trọng việc phối hợp với các cơ quan PCTN.

Nếu thành lập Quỹ PCTN trên cơ sở trích tỷ lệ phần trăm thu hồi được từ PCTN đem lại để hỗ trợ cho mua sắm trang thiết bị, đội ngũ thực hiện nhiệm vụ trực tiếp và phục vụ nguồn tin tố giác PCTN thì chắc chắn hiệu quả.

Trong một năm có bao nhiêu người báo tin PCTN, thưa ông?

Khoảng vài chục và chất lượng nguồn tin là tốt. Phần lớn giai đoạn này họ muốn đóng góp cho công tác PCTN là chính chứ không quan tâm nhiều đến phần hỗ trợ tiền.

Ngoài cơ chế hỗ trợ chúng ta có bảo vệ người cấp tin?

Điều này là chắc chắn rồi. Quy định về phần sử dụng tài chính mật chi và không công khai danh tính của người báo tin.

Chúng ta có tiến tới luật hóa quy định mua tin PCTN không?

Chưa, cái này mới chỉ được trong quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ cho công tác PCTN. Nhưng chắc chắn sau này sẽ cần phải chính thức hóa bố trí kinh phí ổn định ở mức độ phù hợp, hình thành được quỹ, trên cơ sở đó hỗ trợ cho khai thác nguồn tin và khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia cấp nguồn tin. Trong lĩnh vực khác như thanh tra, công an, tòa án thông thường cho mức trích cao nhất từ mức thu hồi tài sản như ở thanh tra khoảng 30% của giá trị thu hồi.

Tỷ lệ cấp tin tham nhũng ở lĩnh vực nào nhiều nhất, thưa ông?

Chủ yếu là những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao, liên quan đến quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, phân phối nguồn lực cho đầu tư, tín dụng cũng có…Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng hiện nay tất nhiên chưa đủ khuyến khích, người ta có thể mặn mà tâm huyết nhiệt tình cung cấp. Sau này có thể sẽ căn cứ vào giá trị nguồn tin đó để đưa ra một tỷ lệ hỗ trợ.

Hiện nay nguồn tin thường cung cấp qua kênh nào?

Các nguồn tin cung cấp đều có giá trị như nhau, nhưng phần lớn là họ gặp trực tiếp để phản ánh, có ghi chép. Nếu là nặc danh thì phải xử lý bằng con đường khác, vì không biết họ thì khó có cơ chế để thưởng.

Theo Tiền Phong