- Thảo luận tại tổ sáng nay (9/6) về hai dự thảo luật Căn cước công dân và Hộ tịch, các ĐB vẫn chưa hết băn khoăn liệu giấy tờ sẽ giảm hay tăng.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra: Luật Hộ tịch vẫn muốn duy trì giấy khai sinh và đăng ký kết hôn, trong khi luật Căn cước công dân (CCCD) lại muốn cấp thẻ từ khi sinh ra.

“Vậy là thêm giấy tờ đấy chứ, bảo đơn giản hóa thủ tục nhưng nếu hai luật này cùng ra thì dân càng thêm thủ tục nặng nề phiền hà”, ông Tuyết nói. 

ĐB Bà Rịa - Vũng Tàu thấy khó khả thi khi cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành hiện không liên thông.

{keywords}
ĐB Đặng Đình Luyến: Giấy tờ hình như vẫn thế, thậm chí tăng thêm

ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cũng thấy cả hai luật đều chưa rõ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cho dân, “hình như vẫn thế, thậm chí tăng thêm”.

“Quản lý việc này chỉ nên để một cơ quan thôi, cần thống nhất”, ông Luyến nói. “Nghe thì hay nhưng chưa thấy khả thi lắm, cần đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ, thời gian, tiền bạc...”

ĐB Lê Đông Phong (TP.HCM) cũng thấy việc này đòi hỏi sự đồng bộ về cơ sở dữ liệu và hạ tầng kĩ thuật mà “mỗi bên làm một dự án riêng, soạn một chương trình riêng, không tích hợp được”.

ĐB Vũ Chí Thực, Giám đốc Công an Quảng Ninh, cũng chia sẻ “trong thâm tâm muốn gộp hai luật này làm một, các vấn đề cụ thể sẽ quy định trong các nghị định”.

Ông Thực đồng tình để đơn giản hóa giấy giấy tờ cho công dân, nên “cố gắng cấp thẻ và số định danh cho công dân ngay từ khi sinh ra”. 

Trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình, ông Phạm Xuân Thường, cũng lạc quan: Hiện có tình trạng một người cầm 4-5 CMTND khác nhau, hồ sơ hộ tịch thì không được lưu giữ, nên nếu có được một thẻ một số thì tốt, cấp ngay từ khi sinh ra để thay thế CMTND, thẻ BHYT...

Khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài 

Vấn đề thực tiễn này được nhiều ĐB đặt ra với sự lo ngại khi chưa thấy luật nào trong cả hai dự thảo này đề cập giải quyết.

Ông Phạm Xuân Thường chỉ ra: nhiều phụ nữ lấy chồng ở Đài Loan, sinh con nhưng không được thừa nhận, gửi về VN lại không đăng ký khai sinh được, không biết đi học, chữa bệnh ra sao.

{keywords}
Giám đốc Công an Quảng Ninh Vũ Chí Thực

ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cũng phản ánh thực tế thời gian qua, có những phụ nữ có con ở nước ngoài do là nạn nhân bị buôn bán hoặc đi xuất khẩu lao động.

“Ở Thái Bình đã có trường hợp phải can thiệp từ cấp xã lên huyện lên tỉnh để giải quyết rất phức tạp”, bà Hoàn muốn trường hợp này được điều chỉnh ngay trong luật.

Ông Vũ Chí Thực cũng chia sẻ thực tế ở tỉnh Quảng Ninh: Nhiều phụ nữ sang TQ lấy chồng, con trai để bên đó, con gái đưa về ngoại, rất khó cho cơ quan quản lý vì giấy tờ không ghi tên bố.

“Nhưng quan điểm của công an là phải ghi đủ, vì liên quan đến an ninh quốc phòng. Thời gian qua đành làm theo cách có mẹ, có bà ngoại và hộ khẩu gốc ở VN thì làm khai sinh để các cháu còn đi học”, ông Thực cho rằng luật Hộ tịch phải điều chỉnh thực tế này.

C.Hoàng - C.Quyên - Ảnh: P.Hải