- Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị QH trong năm 2015 giám sát việc quyết định, quản lý và sử dụng vốn ODA.
>> Bộ trưởng Thăng: Chưa ai nói dừng hay cắt ODA
>> Không có chuyện Nhật dừng dự án ODA với VN
Góp ý chiều nay (9/6) về chương trình giám sát năm 2015 của QH, bà Lê Thị Nga nhận định: Trong tình hình nợ công tăng nhanh, việc đảm bảo việc quyết định sử dụng ODA một cách chính xác và hiệu quả là rất cần thiết.
ĐB Lê Thị Nga: Rà soát toàn diện để tìm các kẽ hở cho tiêu cực ODA. Ảnh: Minh Thăng |
"Bên cạnh những đóng góp tích cực của ODA vào phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, cũng có một số bất cập cụ thể: 20 năm sử dụng ODA mà đến nay hành lang pháp lý cơ bản vẫn ở tầm nghị định, QH chưa một lần giám sát tối cao vấn đề này, cùng gánh trách nhiệm với Chính phủ trước nhân dân trong việc sử dụng đồng vốn này, trong khi tác động của ODA rất lớn, quyết không đúng thì con cháu ta sẽ phải trả nợ", ĐB Thái Nguyên nói.
Bà Nga cũng cho rằng quy trình quyết định, quản lý và sử dụng ODA còn chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như sự giám sát của người dân, báo chí và công luận: "Những vụ tiêu cực liên quan đến ODA, từ các PMU, đến vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, đến JTC, đều kết thúc bằng một vụ án hình sự, có người vào tù, có người bị kỷ luật, nhưng những bất cập trên vẫn còn".
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH hoan nghênh Bộ trưởng GTVT vừa qua đã rất nhanh, tích cực và nghiêm túc xử lý vụ việc JTC, được dư luận hoan nghênh, đối tác cũng hợp tác tốt, không để lâu như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, nhưng bên cạnh xử lý nhanh, cần rà soát toàn diện để tìm các kẽ hở cho tiêu cực.
Sở dĩ bà Lê Thị Nga kiến nghị chuyên đề này vì cho rằng chuyên đề giám sát "kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam WTO" mà UB Thường vụ QH đưa ra là quá rộng.
Hai chuyên đề khác là "Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014", được các ĐB đồng tình.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị khi giám sát tình trạng án oan sai thì nên xem xét một số tình huống cụ thể, để làm rõ ai sai, khâu nào sai. Tương tự với tình trạng nhức nhối tồn đọng kéo dài là lãng phí đất đai ở các nông lâm trường, ông Lịch cũng muốn giám sát một số mô hình nông lâm trường cụ thể để đưa ra những kiến nghị sát sao.
Ba chuyên đề giám sát trên do UB Thường vụ QH đề xuất, các ĐB sẽ thảo luận để chọn lựa ra 2 chuyên đề để QH quyết định giám sát trong năm 2015.
Chung Hoàng