- Trả lời ĐB Huỳnh Nghĩa tại phiên chất vấn chiều 10/6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay kết quả xử lý nợ của Vinashin đã giảm tới 70%.
Dẫn câu hỏi từ các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh cũng như DN vay không trả nợ được khiến Chính phủ phải bảo lãnh khoản nợ, ĐB Huỳnh Nghĩa nêu câu hỏi cụ thể về khoản nợ của Vinashin, Vinalines. Ông muốn biết cụ thể khoản vay mà Chính phủ bảo lãnh vay cho tập đoàn này cũng như đặt câu hỏi Chính phủ có bảo lãnh trả không.
ĐB Huỳnh Nghĩa |
Bộ trưởng Tài chính cho hay, kinh nghiệm của nhiều nước, kể cả nước phát triển khi cần thiết cũng can thiệp xử lý tài chính của DN lớn, như ngân hàng Hoàng đế Scotland tại Anh hay công ty General Motor tại Mỹ.
Đối với VN, Chính phủ đã cấp bảo lãnh trái phiếu, tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết Chính phủ, tuân thủ đầy đủ pháp lý về câp và quản lý bảo lãnh nợ Chính phủ
"Xử lý nợ cũng chỉ giới hạn phạm vi công ty mẹ của tập đoàn Vinashin và 8 công ty con là giữ lại, số liệu nợ được rà soát kỹ lưỡng và kết quả xử lý là giảm tới 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin. Cụ thể nếu ĐB cần tôi có trao đổi chi tiết với ĐB" - ông cho hay.
Cũng liên quan DNNN, ĐB Trương Văn Vở chất vấn Bộ trưởng Tài chính về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành của các DNNN chậm, dù đã cảnh cáo "anh nào không làm nhường chỗ cho người khác" cũng như tham mưu cho Chính phủ chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân ở từng DN, đơn vị còn chần chừ, do dự về cổ phần hóa.
Dẫn một loạt các văn bản pháp lý đã ban hành theo tham mưu của Bộ Tài Chính, Bộ trưởng Tiến Dũng khẳng định đến nay các văn bản pháp ký và giải pháp để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cơ bản đã đẩy đủ. Nhưng vấn đề đặt ra là việc thực hiện, triển khai của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty. Kết quả triển khai tùy thuộc vào người đứng đầu.
Dự báo khóTại kỳ họp trước, Chính phủ đã báo cáo QH về thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó nêu rõ khả năng hụt thu khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả thu 2013 lại vượt 6.000 tỷ đồng so với dự toán, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với báo cáo trước QH. Điều này khiến ĐB Lê Như Tiến thắc mắc không rõ đây là "thành tích" hay "thiếu sót".
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Bộ trưởng Tiến Dũng trả lời: Chính phủ dự kiến thu 6.000 đến 9.000 cổ tức của DNNN năm 2013. Thực tế, chúng ta thu được mức xấp xỉ thêm 6.000 tỷ, thứ hai nữa là thu thêm được phần lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để thu thêm được 23.000 tỷ nữa. Tiếp nữa là thu các khoản phát sinh như chênh lệnh trái phiếu chính phủ 1.000 tỷ, phạt vi phạm hành chính an toàn giao thông 6 tháng cuối năm hơn 2.700 tỷ.
Cùng với sự khởi sắc về kinh tế 6 tháng cuối năm 2013, 6 tháng cuối năm toàn ngành tài chính đã phối hợp với các ngành các cấp tập trung quyết liệt thanh tra kiểm tra để chống thất thu và thu hồi nợ đọng. Qua thanh tra, đã quyết định thu thêm 13.600 tỷ và thực tế đến cuối năm thu được 9.700 tỷ. Cơ quan Hải quan cũng đã thanh tra 2.300 doanh nghiệp sau thông quan và quyết định thu thêm 1.600 tỷ.
Bộ trưởng cũng chia sẻ vấn đề ở dự báo, "căn bệnh kinh niên" trong những năm qua, gặp điều kiện diễn biến kinh tế rất bất thường thì dự báo càng khó khăn. Bên cạnh đó dự toán 2013 lập và được giao cao hơn so với thực tế thực hiện năm 2012 khoảng 20%, so với thực tế thực hiện là điều quá với khả năng kinh tế. "Đây là nguyên nhân khách quan" - Bộ trưởng nói.Làm tài chính là phải trung thực
ĐB tỉnh Quảng Trị đặt tiếp câu hỏi: "Qua 1 năm được QH phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính, chèo lái con thuyền ngân sách quốc gia trong thời kỳ đầy khó khăn, tân Bộ trưởng đã tiếp thu hoặc tự mình rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá nào từ các vị Bộ trưởng tiền nhiệm để đề ra hệ thống giải pháp mạnh, mang tính đột phá, đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ KT-XH và quốc phòng an ninh trong thời kỳ mới, để khắc phục cho được căn bệnh tam nợ cố hữu đó là nợ công, nợ đọng thuế, và nợ bình ổn giá?".
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Tiến Dũng kể ngay cổng Bộ Tài chính có chữ "đoàn kết", giữa thì có chữ Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
"Đây là bài học rất là tốt, chúng tôi về Bộ tài chính cảm nhận được điều này, rất thấm thía. Cái nữa, tôi cho rằng, làm tài chính thì cái trung thực là rất quan trọng và từ trước đến nay điều đó rất quan trọng, tình hình như nào thì báo cáo và đề xuất như thế. Năm ngoái có đề xuất tạm dừng lương 100 nghìn một người của những người đang đi làm, hôm nay cũng xin báo cáo lại, chúng tôi không đề xuất những người nghỉ hưu, những người chính sách mà đề xuất những người đi làm thôi. Mỗi năm cũng giảm được 40.000 tỷ. Nhiều đại biểu cũng nói phải thắt lưng buộc bụng để thực hiện những mục tiêu dài hạn hơn, chúng tôi rất tán thành".
Yêu cầu cấp bách là để dành tiềnĐB Trần Văn Minh chất vấn: "Chiến lược tài chính đến 2020 có đặt ra bội chi ngân sách nhà nước đặt ra đến 2015 là khoảng 4,5% GDP, tuy nhiên thực tế các năm vừa qua đều ở mức cao hơn 5% GDP. Bên cạnh đó bội chi không chỉ dành cho đầu tư mà còn để trả nợ, đã tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia và nợ công. Bộ trưởng cho biết khả năng hiện thực hóa chiến lược tài chính đến 2020 đặt ra. Nếu khó khăn thì định hướng bội chi ngân sách nhà nước trong thời gian tới như nào? Giải pháp thực hiện?".
Trả lời ĐB, Bộ trưởng cho hay mục tiêu đặt ra là giảm 4,5% bội chi và năm 2015-2020 khoảng 4%. Nhưng những năm vừa qua chi tiêu rất lớn, nhất là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội trong khi khả năng huy động từ ngân sách khó khăn, nên phải tăng bội chi. Điều này Chính phủ báo cáo với QH và QH đã thông qua.
"Chúng tôi cho rằng, tăng bội chi để đáp ứng các yêu cầu cấp bách. Chúng ta tính dài hạn nhưng cũng phải lo cái trước mắt. Trong những năm tới, chúng ta phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên và phải nâng cao hiệu quả chi tiêu là yêu cầu rất cấp bách để giành tiền, làm sao chúng ta điều hành giảm bội chi, làm sao chúng ta giành tiền để phục vụ xóa đói giảm nghèo, đặc biệt vùng sâu vùng xa. Đây là yêu cầu cấp bách, đó là chưa kể dành tiền để đáp ứng yêu cầu về quốc phòng an ninh trong tình hình mới" - ông phát biểu.
Bộ trưởng kiến nghị thắt chặt chi tiêu, quản lý thu, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính cần làm mạnh hơn và đề nghị QH giám sát chặt vấn đề này.
X.Linh - T.Lâm - H.Nhì