- Thừa nhận có chuyện bộ, ngành khi xây dựng pháp luật đều mong ‘cài lợi ích’, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay có luật không hoàn toàn lobby, hay chạy, nhưng cũng có “tranh thủ này kia”.
Hai câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và Trần Du Lịch (TPHCM) dành cho Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên chất vấn chiều 11/6 cùng đụng chuyện ‘hậu trường’ làm luật.
Làm luật kiểu ‘quyền nặng, trách nhiệm nhẹ’
Câu hỏi của ĐB Thúy thẳng thắn: “Dư luận, người dân, báo chí và ĐBQH băn khoăn có hay không việc cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ ngành trong văn bản pháp luật; cùng với đó là xu hướng xây dựng pháp luật thuận lợi cho cơ quan công quyền, đẩy khó khăn cho dân”?
ĐB Đà Nẵng cũng nêu thực trạng phổ biến các bộ ngành vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách, dẫn đến chính sách không được giải thích rõ trong luật, luật ra không thực hiện được như ý muốn.
Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận định các bộ quản lý gì thì xây dựng luật đó.
"Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, điều phối nhưng hình như còn nể nang, tôi không dám nói có lợi ích cục bộ, nhưng có tình trạng bộ nào làm luật thì quyền nặng mà trách nhiệm nhẹ cho bộ mình, pháp luật thiếu thống nhất" - ĐB nêu.
Xem CLIP:
Không phải câu hỏi được hỏi lần đầu, thậm chí nhận thức đã được hỏi nhiều lần, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời rành rọt.
Theo ông, các dạng văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng trở lên có quy trình chặt chẽ, có ban soạn thảo, tổ biên tập, đăng tải trên trang web lấy ý kiến trong 60 ngày....
Các văn bản này thường là để thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng, nên Bộ Tư pháp thẩm định có phù hợp với đường lối chính sách hay không.
"Thế nên chuyện cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành trong loại văn bản này chưa phải là vấn đề gì đặt ra" - ông khẳng định.
Trong khi đó, các loại văn bản như thông tư, thông tư liên tịch là loại phát sinh một số vấn đề khiến dư luận bức xúc thời gian qua, hiện đang giao cho pháp chế nội bộ thẩm định.
Bộ Tư pháp dự định xây dựng đề án thí điểm kiểm soát tập trung thông tư và thông tư liên tịch của các bộ trên một số lĩnh vực gắn chặt với lợi ích của người dân.
Đề án này đã trình Chính phủ, được Thủ tướng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình, nhưng chưa thực hiện được vì trái với luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, việc này sẽ được kiến nghị khi sửa đổi luật trên cuối năm nay.
Lợi ích nhóm chưa phải vấn đề lớn
Là cơ quan “hậu kiểm” các văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng khẳng định "trong nhiệm kỳ này, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích của cơ quan trong các văn bản pháp luật chưa phải vấn đề lớn".
Ông cũng cho rằng chất vấn của ĐB việc vừa xây dựng luật, vừa làm chính sách có lý nhưng chưa hoàn toàn. Nhưng sắp tới, Chính phủ có hướng tách giai đoạn làm chính sách trước với các chuyên gia chuyên ngành, sau đó mới viết văn bản luật giao cho các chuyên gia luật.
Trước giải trình khá kỹ thuật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi của ĐB Du Lịch cần Bộ trưởng trả lời thẳng trực tiếp "có hay không" chuyện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
ĐB Kim Thúy cũng bấm nút đứng lên hỏi lại: “Nếu Bộ trưởng nói không có lợi ích nhóm thì việc trong luật có cài tổ chức bộ máy, các loại quỹ, thủ tục hành chính... là gì? Chuyện luật nghiêng về thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó cho dân Bộ trưởng cũng chưa trả lời”.
Còn ĐB Trần Du Lịch trao đổi thêm: “Bộ Tư pháp khi thẩm định cần có quan điểm hoàn thiện pháp luật theo hệ thống, "nhìn rừng chứ không nhìn từng cây".
Trước chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận "đúng là có chuyện bộ ngành khi xây dựng pháp luật đều mong muốn cài lợi ích của mình vào đó".
"Thành thật mà nói, có luật không hoàn toàn là lobby hay chạy nhưng cũng có tranh thủ này kia" - Bộ trưởng thừa nhận.
Ông cũng chia sẻ có ĐB Hà Nội rất trách nhiệm, khi nghe ngóng có chuyện nhóm, đơn vị nào định tranh thủ "cài" thì đều báo Bộ Tư pháp để cảnh báo, hết sức tránh.
Xu hướng quản không được thì cấm
Tiếp mạch trả lời ĐB, Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận có xu hướng làm luật theo kiểu "không quản lý được thì cấm, thuận lợi cho cơ quan quản lý hơn là cho dân" trong một số văn bản.
Nhưng ông cam kết vấn đề này đang được xem xét thận trọng, qua kiểm soát thủ tục mà Bộ Tư pháp đang nắm.
Sau cùng, Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận khi thẩm định văn bản luật phải xem xét sự đồng bộ với cả hệ thống pháp luật.
“Rút kinh nghiệm là không chỉ bộ mà lập hội đồng liên ngành để thẩm định khách quan" - ông hứa.
Bộ trưởng cũng báo cáo thêm là luật chưa quy định giá trị pháp lý của văn bản thẩm định nên còn khoảng cách với việc tiếp thu. Chính phủ sẽ sửa đổi luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng phải có giải trình đầy đủ đối với kiến nghị của hội đồng thẩm định này.
C.Hoàng - M.Thăng - D.Tiến - H.Nhì - Nguồn clip: VTV