- Trước chất vấn của ĐB, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tham nhũng cả thế giới chứ không riêng của nước ta, nên phải kiên quyết kiên trì có bước đi thích hợp, có giải pháp mạnh mẽ.

Bấm nút lần đầu, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) phản ánh 2 vấn đề: tội phạm chưa được chặn đứng, tham nhũng chưa được đẩy lùi gây bất xúc trong nhân dân và chất vấn giải pháp "mạnh mẽ, quyết liệt đột phá" để đầy lùi tham nhũng, cả trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chống tham nhũng.

{keywords}
ĐB Lê Như Tiến

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, dù thời gian qua đã phát hiện, điều tra, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhưng tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi xảy ra trên nhiều lĩnh vực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu củng cố lực lượng phòng chống tham nhũng, thường xuyên kiểm tra đánh giá những lĩnh vực nhạy cảm. "Tham nhũng cả thế giới chứ không riêng của nước ta, cho nên phải kiên quyết kiên trì có bước đi thích hợp, có giải pháp mạnh mẽ" - ông nói.

Bấm nút hỏi tiếp, ĐB Lê Như Tiến nêu vấn đề kiểm soát, giám sát tài sản gia tăng của cán bộ công chức thông qua việc công khai minh bạch về tài sản và trách nhiệm giải trình. Theo ĐB, vừa qua việc kê khai tiến hành nhưng không công khai minh bạch tài sản, vì thế một số cán bộ cao cấp đương chức hoặc vừa nghỉ hưu thì khối tài sản khổng lồ lần lượt phát lộ.

"Từ đầu nhiệm kì tới nay đã có bao nhiêu cán bộ cao cấp công khai minh bạch và phải giải trình về khối tài sản ngày càng gia tăng của mình và giải pháp của Chính phủ?" - ĐB hỏi.

Phó Thủ tướng thừa nhận việc công khai minh bạch tài sản thu nhập này chưa làm tốt. Điều này chứng tỏ việc triển khai xuống các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế.

"Với số liệu cụ thể, có bao nhiêu ông cán bộ của chúng ta có số tài sản lớn, câu hỏi này chỉ có thể qua thanh tra, qua sự việc thì mới phát hiện một cách đầy đủ. Tôi hy vọng rằng, nhân dân cùng với các cơ quan chức năng sẽ làm tốt công việc phát hiện này trong thời gian tới".

Cổ phần hóa đụng lợi ích, cần quyết tâm chính trị

Trong 2 năm tới dự kiến sẽ có khoảng gần 600 DNNN sẽ được cổ phần hóa, dự kiến số vốn thoái và thu hồi lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch

Động vào "tài sản của nhân dân" nên ĐB Trần Du Lịch cho rằng, song hành mục tiêu cổ phần hóa cần có đề án sử dụng nguồn tiền thu về và chi vào những mục đích nào. Câu hỏi đặt giả thuyết liệu tiền có dùng để xử lý một phần nợ công để giảm khó khăn hay đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, biển đảo không, xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá?

Phó Thủ tướng cho hay tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở tất cả các cấp độ mang lại động lực mới cho tăng trưởng hợp lý hơn. Nhưng cũng chính vì vậy mà đụng chạm đến lợi ích của nhiều người.

"Vì vậy chúng ta phải có một thể chế đồng bộ, một quyết tâm chính trị, một năng lực thực hiện" - Phó Thủ tướng nói trước QH. 

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo ông, phải tháo gỡ trở ngại lớn nhất là thay thế nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cấp cao của các tập đoàn, công ty, DN và phải cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Ngoài ra đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh, đặc biệt tiếp tục tái cơ cấu trên các lĩnh vực đang làm như đầu tư công, ngân hàng, DNNN.

So sánh với 12 nghìn DN được cổ phần hóa cách đây 7-8 năm với nhiệm vụ 2 năm tới phải cổ phần hóa 600 DN, Phó Thủ tướng nhận định đây là mục tiêu "rất lớn, rất quyết liệt".  Muốn cơ cấu tốt phải đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, chú ý tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú ý thị trường, ứng dụng công nghệ và chú ý tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.

L.Thư- T.Lâm - C.Quyên