- "Những sai phạm ở Vinashin đang được tiếp tục làm rõ chứ không có chuyện xuê xoa như lo ngại của nhiều người", Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nói tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (25/4).
Trọng tâm của buổi họp Thường vụ sáng nay là đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 vừa bế mạc và bàn công tác chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên nhiệm kỳ QH khóa 13. Đa số ý kiến đều tập trung phân tích hai nội dung nổi bật tại kỳ họp thứ 9 là kết luận về tình hình xử lý sai phạm ở Vinashin và QH trì hoãn chưa thông qua dự án Luật Thủ đô.
Sớm công bố kết luận thanh tra
Theo phản ánh của một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, rất nhiều người dân bày tỏ thái độ chưa hài lòng với công tác phòng chống tham nhũng và báo cáo về trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Thường vụ QH cho rằng, việc QH không thông qua Luật thủ đô tại kỳ họp thứ 9 nên được xem là điều bình thường trong sinh hoạt dân chủ tại QH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình thì phản ánh: "Dù Bộ Chính trị đã nói vụ việc đó đã rút kinh nghiệm rồi nhưng trong thâm tâm chưa ai thấy được thuyết phục".
Theo ông Bình, dân còn so sánh cách xử lý ở Vinashin với một số vụ việc tham nhũng khác và cho rằng chỉ rút kinh nghiệm là chưa đủ. Ngay một vụ cháy rừng ở Cà Mau khiến một chủ tịch huyện cũng bị kỷ luật thì với những hậu quả từ sai phạm ở Vinashin không thể chỉ là "sai đâu sửa đó". Quan trọng hơn, theo ông Bình, là làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước.
Trước "tâm tư" của các thành viên
Ủy ban Thường vụ, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói, phần báo cáo
trước Quốc hội về kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến sai
phạm tại Vinashin thì kể cả trên hội trường cũng có đại biểu chưa đồng tình. Đi
tiếp xúc cử tri dân cũng phàn nàn là chưa thuyết phục.
Tuy nhiên,
ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Vụ việc chưa kết thúc và các cơ quan
có trách nhiệm vẫn đang tiếp tục xem xét".
Báo cáo của Chính phủ chưa nêu đầy đủ kết luận của Bộ Chính trị về Vinashin mà chỉ tổng kết một phần nhỏ.
Ông Trọng phân tích, Bộ Chính trị nêu ra bốn nhiệm vụ cần làm: tái cơ cấu tập đoàn, cơ quan thanh tra xử lý theo pháp luật các cá nhân tập thể sai phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm điểm trách nhiệm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và báo cáo trước Đại hội XI, tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội...
Báo cáo của Chính phủ chỉ đánh giá riêng phần kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Những nội dung khác đang được các cơ quan có trách nhiệm làm rõ̃̀ ̃. Do đó, không nên so sánh cách xử lý sai phạm ở Vinashin với các vụ việc khác.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, "sẽ sớm công bố kết luận thanh tra, sớm đưa ra xét xử những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật. Từ kết quả thanh tra đó sẽ quy trách nhiệm cụ thể với cấp dưới".
Thủ tướng sẽ nêu chương trình hành động
Theo dự kiến, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 sẽ diễn ra trong khoảng 22 ngày, khai mạc ngày 21/7.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành hai
tuần để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự. Bao gồm, bầu Chủ tịch, các Phó
chủ tịch và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc,
các ủy ban của Quốc hội và đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội.
Quốc hội cũng sẽ
bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân
Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Quyết định cơ cấu tổ chức
của Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành
viên khác của Chính phủ. Đồng thời, phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng
Quốc phòng và An ninh.
Dự kiến, Chủ tịch
Quốc hội, Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu nhậm chức. Riêng Thủ
tướng nhiệm kỳ mới sẽ phát biểu về chương trình hành động trước Quốc
hội.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành khoảng 5 ngày để xem xét, thảo
luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Như báo cáo về
tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách 6 tháng
đầu năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009...
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác nhân sự sẽ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ.
Riêng với tình hình kinh tế, lạm phát, giá cả sáu tháng đầu năm, Hội nghị Trung ương sẽ tiến hành phiên họp vào tháng 6 sắp tới và sẽ dành thời gian đánh giá chung.
-
Lê Nhung