- Sau khi rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), đề án 30 của Chính phủ tiếp tục triển khai kiểm soát như một bước đưa cải cách TTHC đi vào thực chất.

Kết thúc giai đoạn rà soát, 5.000 trong số 5.400 TTHC sẽ được đơn giản hóa, trong đó sửa đổi bổ sung 4.146 thủ tục, bãi bỏ 480 thủ tục, kiến nghị thay thế 192 thủ tục, góp phần cắt giảm gần 30.000 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ TTHC cho các cá nhân, tổ chức. Đây là các thông tin được Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cung cấp hôm nay (25/4) tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm soát TTHC diễn ra 2 ngày rưỡi tại Hà Nội.

Nỗ lực này, theo ông Phan, giúp Việt Nam tăng 10 bậc về môi trường kinh doanh, đứng thứ 78/183 nền kinh tế thế giới. Đề án 30 được quốc tế đánh giá là một chương trình cải cách có quy mô.

Kết quả này cũng giúp chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập của hệ thống các quy định về TTHC, đặc biệt là chất lượng của các quy định.

Đánh giá tác động các quy định về TTHC là để tăng cường trách nhiệm giải trình trước dân của cơ quan soạn thảo. Ảnh: Long Anh

Bước tiếp theo của đề án - kiểm soát TTHC - sẽ bao quát từ việc đánh giá tác động các quy định về TTHC ngay ở khâu dự thảo; lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị cũng như công khai, minh bạch TTHC sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi TTHC, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của nhân dân để kịp thời phát hiện và giải quyết bất cập; và giám sát việc thực thi thủ tục của cán bộ, công chức.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, việc đánh giá tác động các quy định về TTHC là để tăng cường trách nhiệm giải trình trước dân của cơ quan soạn thảo, để các TTHC đưa ra phải thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả.

“Đây là một công việc khó vì làm thay đổi thói quen, cách làm cũ. Việc này mang tính khoa học và khách quan, đòi hỏi cán bộ, công chức phải đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ”, ông Phúc nói. “Do đó, bước đầu thực hiện chắc chắn gặp lực cản từ chính những người phải thực thi quy định này”.

Cục trưởng Ngô Hải Phan cũng nhận định: “Cán bộ, công chức làm công việc này phải có tâm huyết, vừa chịu khó đọc nhiều để cập nhật kiến thức chuyên môn, vừa phải có kinh nghiệm thực tiễn đối với việc thực hiện các TTHC. Họ phải có lòng yêu nghề, đặt lợi ích của xã hội và cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân”.

Bởi vì, kiểm soát các quy định về TTHC ngay từ khâu dự thảo là giúp gỡ thủ tục cho dân, nhưng đồng thời “bó” lợi ích của các bộ ngành, "không tránh khỏi va chạm về lợi ích", ông Phan nhấn mạnh.

Thủy Chung

Vì sao tôi dứt áo ra đi?