Luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
ĐB Phạm Thị Mỹ Ngọc. Ảnh: Minh Thăng |
Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Vềhôn nhân đồng tính, luật này vẫn quy định rõ về điều kiện kết hôn, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính.
Từ 1/1/2015, luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.
Đề nghị giữ giấy khai sinh
Thảo luận chiều 19/6 tại hội trường về dự án luật Hộ tịch, ĐB Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) cho biết hiện khoản 4, điều 36 nghị định 158 của Chính phủ về đăng kí và quản lý hộ tịch quy định phải xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học để xác định.
ĐB cho rằng giới tính cũng là yếu tố cấu thành hôn nhân của con người, trong nội dung đăng kí khai sinh của mỗi người đều có phần ghi về giới tính, mặt khác với tình hình thực tế hiện nay ở nước ta, việc chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại và biện pháp can thiệp y học diễn ra ngày càng nhiều. Có thể hôm nay anh xuất hiện trước mọi người là nam nhưng ngày mai đã là một cô gái. Vì thế, cần quy định việc xác định lại giới tính khi đề cập tới thân nhân của họ, không hiểu vì lý do nào mà luật không quy định việc xác định lại giới tính?
ĐB Nguyễn Văn Khánh - GĐ Công an tỉnh Đồng Nai đề xuất: Do đã có đề án 896 (đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2010) nên trong dự thảo luật Hộ tịch nên bỏ quy định về khái niệm số định danh cá nhân.
Bởi như sáng 19/6 thảo luận tại hội trường thì số định danh cá nhân đã được quy định trong luật Căn cước của công dân. Ngoài ra, ông cũng đề nghị bỏ quy định về nơi cư trú của cá nhân vì nội dung này đã có trong luật Cư trú.
ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề xuất luật Hộ tịch chỉ nên điều chỉnh về các vấn đề hộ tịch, không điều chỉnh các vấn đề về khai sinh, thẻ căn cước.. để tránh trùng lắp với luật Căn cước công dân. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cùng các ĐB khác chung quan điểm khi cho rằng, giấy khai sinh là một bộ phận không thể tách rời của quản lý hộ tịch, vì vậy đề nghị duy trì cấp giấy khai sinh, đây là căn cứ gốc của công dân trong luật Hộ tịch; không thể cấp thẻ căn cước công dân thay cho giấy khai sinh.
- Cẩm Quyên