Bên lề hội thảo tại Đà Nẵng, GS. Renato de Castro đến từ ĐH De la Salle của Philippines chia sẻ kinh nghiệm nước này sau hơn một năm theo đuổi vụ kiện yêu sách đường lưỡi bò của TQ.


LTS: Hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử" ngày 20/6 tại Đà Nẵng quy tụ 34 học giả, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, thảo luận các chủ đề: Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo và những tác động đến hòa bình, an ninh khu vực; Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ông Renato cho biết: Sau khi Philippines đưa vụ việc ra Toà án quốc tế về luật Biển (ITLOS) ngày 22/1/2013, đến nay tòa đang yêu cầu TQ đưa ra các lý lẽ pháp lý của mình vì phía Philippines đã nộp rồi. Ngày 30/3 vừa rồi, TQ cho biết sẽ không hồi đáp và không tham gia vụ kiện.

{keywords}
GS. Renato de Castro. Ảnh: Phương Mai

Vụ kiện đã dấy lên những tranh luận trong cộng đồng quốc tế, và hy vọng sẽ chuyển biến thành dư luận quốc tế phản đối những việc TQ đang làm.

Việc này chắc chắn không vô nghĩa hay vô tác dụng, vì dư luận quốc tế là một sức mạnh rất quan trọng.

Nếu dư luận quốc tế không đồng tình với những gì TQ đang làm, điều đó sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực của TQ vươn lên trở thành một trong những siêu cường của thế kỷ 21. Vì nó cho thấy TQ thiếu "trách nhiệm đạo đức" để đủ tư cách là một siêu cường, cùng với khả năng kiềm chế và tôn trọng những nước nhỏ hơn.

Đến Hoa Kỳ cũng thể hiện sự kiềm chế đó trong quan hệ với các nước Nam Mỹ. TQ thì không.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có vẻ TQ đang nghĩ chỉ cần có tiền là mua được tất cả các nước ở châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á. Nhưng đơn giản là TQ không có "quyền lực đạo đức", điều rất quan trọng khi nhắc đến những giá trị của Khổng giáo, khi quay lưng lại với pháp luật quốc tế và dư luận quốc tế.

TQ đang đi ngược lại chính tư tưởng đạo Khổng của họ rằng cường quốc thì phải đối xử với các nước nhỏ hơn bằng lòng nhân từ.

Như vậy, dư luận quốc tế khiến những nỗ lực kiểm soát và xâm chiếm của TQ trở nên rất đắt đỏ. Đó là khi xảy ra sự việc tàu cá Việt Nam bị tàu TQ đâm thủng, giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng do việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, dư luận quốc tế đã phản ứng dữ dội với TQ. Và TQ phải tăng cường tuyên truyền.

Tôi nhớ là ở Philippines lúc đó, TQ đã trả tiền cho các tờ báo hàng đầu như Philippines Daily Inquirer, Philippines Star... để đăng nguyên một trang lời bào chữa của họ về vụ chìm tàu. Thử tưởng tượng việc đó tốn bao nhiêu tiền, nếu họ cũng làm thế ở nhiều nước khác nữa.

Quay lại với vụ kiện của Philippines, nó đã khiến những người quan tâm thảo luận về nó, và gây áp lực khiến TQ phải lên tiếng bào chữa. Khi buộc phải trả lời, TQ lại làm việc đó bằng cách siết chặt sự kiềm tỏa đối với Philippines, nhưng lại chỉ làm tăng sự thông cảm với Philippines.

Nước lớn TQ đang bắt nạt nước nhỏ Philippines không hề có tiềm lực quân sự mà chỉ dựa vào các giá trị đạo đức. Và thế là Philippines có được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật, Úc, Việt Nam trong vụ kiện này.

Cuối cùng, ông Renato kể câu chuyện về việc TQ thủ thế ra sao trước vụ kiện của Philippines: Hồi tháng 4 ở Philippines, trong một hội thảo có phiên thảo luận của các nhà ngoại giao Philippines về vụ kiện này, trưởng đoàn TQ đã tìm đến chủ tọa người Mỹ để tìm cách ngăn chặn. Người Mỹ đã không thể hiểu được tại sao người TQ lại muốn cấm cả người Philippines bàn việc của Philippines ngay trên đất Philippines.

Chung Hoàng ghi