- Tại cuộc họp báo chiều 25/6 tại Hà Nội, Hội Luật gia VN ra tuyên bố phản đối TQ tiếp tục leo thang gây căng thẳng tại vùng biển chủ quyền của VN.

Đây là lần thứ hai, Hội Luật gia VN ra tuyên bố phản đối hành động của TQ.

TQ phải dừng ngay các hành động làm phức tạp tình hình

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ tịch Hội, công bố bản tuyên bố nhấn mạnh ngày 9/5, trước việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN, Hội Luật gia VN đã ra tuyên bố cực lực phản đối hành động này, yêu cầu TQ rút ngay lập tức giàn khoan 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN.

{keywords}
Hội Luật gia tổ chức họp báo

Từ đó đến nay, bất chấp sự phản đối của VN và cộng đồng quốc tế, bất chấp mọi nỗ lực thiện chí giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của Chính phủ VN, TQ vẫn tiếp tục ngang nhiên có nhiều hành động leo thang căng thẳng. Các tàu TQ được sự yểm trợ của máy bay đã chủ động đâm thẳng vào tàu VN, dùng vòi rồng công suất lớn, dùng súng bắn nước nhằm thẳng vào tàu VN, làm hư hỏng thiết bị, gây thương tích cho các kiểm ngư viên và ngư dân VN.

Ngày 26/5, tàu cá của TQ số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 của VN, làm 10 thuyền viên trên tàu gặp nạn, toàn bộ hải sản, ngư cụ của tàu Đna 90152 bị hư hỏng hoàn toàn.

Ngày 1/6, tàu TQ liên tục phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển 2016 và đâm mạnh bên mạn phải của tàu, làm thủng 4 lỗ, cách mép nước biển chỉ 40 cm.

Trầm trọng nhất, ngày 23/6, cách giàn khoan 981 chừng 11,5 hải lý về phía Tây Nam, tàu kiểm ngư KN-951 đã bị 7 tàu của TQ bao vây, sử dụng tốc độ cao để áp sát, đâm va, ngăn cản trong khi tàu 951 đang thực thi pháp luật trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN.

"Các hành vi trên đây của TQ rõ ràng là những hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, vi phạm quyền con người, bất chấp Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. Các hoạt động TQ thường phát ngôn là "chỉ thực thi pháp luật bình thường" khác xa với các hành vi sử dụng vũ lực diễn ra trên thực tế, không chỉ làm ảnh hưởng đến ngư dân đánh bắt cá, các lực lượng thực thi pháp luật của VN trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, mà còn gây lo ngại cho toàn bộ cộng đồng trên vùng Biển Đông, trái ngược hoàn toàn với đạo lý và luật pháp quốc tế".

Hội Luật gia VN tuyên bố một lần nữa cực lực phản đối TQ, yêu cầu phía TQ lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển VN, chấm dứt các hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của công dân VN và các lực lượng thực thi pháp luật, không tái diễn hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, yêu cầu TQ tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng ngay các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Hội kêu gọi giới luật gia và toàn thể nhân dân của các nước trên thế giới lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm chủ quyền của VN, vi phạm quyền con người và vi phạm pháp luật quốc tế của TQ.

Hội luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và giới luật gia VN-TQ, cùng phía TQ làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu TQ cố tình không tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, cố tình vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN, Hội kiên quyết đề nghị Chính phủ VN sử dụng các biện pháp pháp lý hợp pháp theo pháp luật quốc tế để giải quyết tình trạng vi phạm leo thang của TQ ở Biển Đông.

Với số lượng hơn 46 nghìn hội viên yêu nước, Hội sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để chuẩn bị các hồ sơ pháp lý cần thiết cho quá trình này, kiên quyết không để chủ quyền thiêng liêng của đất nước bị vi phạm.

Sau tuyên bố, báo chí đã đặt câu hỏi xung quanh khả năng VN có thể khởi kiện TQ.

Thời điểm kiện TQ?

 

Các câu hỏi tại nhấn mạnh bối cảnh VN vừa ký Hiệp định nước chủ nhà và thư trao đổi về hợp tác với Tòa trọng tài thường trực (PCA). Liệu VN có thể kiện TQ vào thời điểm nào, đối tượng, hành vi cụ thể có thể kiện và lựa chọn thiết chế quốc tế khả thi nhất. Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội trả lời:

Pháp luật TPHCM: Tòa trọng tài thường trực mà Chính phủ ký thụ lý vụ kiện của Philippines nhằm xác định công ước Luật biển LHQ liên quan vùng biển họ quan tâm. VN cũng tham gia PCA thì có tìm được cơ hội nào đó trong giải quyết tranh chấp?

Ông Lê Minh Tâm: Dùng các cơ quan tài phán quốc tế là giải pháp hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép. Tòa trọng tài thường trực quốc tế xem xét giải quyết các tranh chấp quốc tế. Cơ chế này Philippines đang sử dụng. Việc ký kết là bước chuẩn bị. Nếu cần thiết, VN có thể đưa ra tòa thường trực trọng tài quốc tế để giải quyết.

{keywords}

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia VN Lê Minh Tâm

Nếu Chính phủ có chủ trương thì giới luật gia sẽ nhận trách nhiệm chuẩn bị các hồ sơ cần thiết, đưa ra sử dụng quốc tế để giải quyết. Trong đó, Tòa trọng tài thường trực là 1 trong những thiết chế có thể đưa ra.

Pháp luật TPHCM: Hội đã nghiên cứu các thủ tục, quy trình, kinh nghiệm của PCA trong việc giải quyết tranh chấp về biển không? Có điều gì tương tự với VN trong trường hợp nếu kiện TQ không?

Có nhiều thiết chế khác nhau, trong đó tòa thường trực trọng tài quốc tế là một thiết chế. Có thể lựa chọn cách dó cũng có thể lựa chọn cách khác. Hội Luật gia VN là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế và nhiều tổ chức luật gia quốc tế khác. Không những chúng tôi chuẩn bị mà còn đề nghị các tổ chức đó cùng chuẩn bị với chúng tôi. Tới đây chúng tôi cũng sẽ giới thiệu về các vụ việc điển hình trên thế giới mà tòa trọng tài thường trực quốc tế và tòa án quốc tế đã xử lý. Đối với mỗi vụ việc sẽ có khác nhau chúng ta sẽ lựa chọn cách thức tốt nhất.

VN hoàn toàn có công lý, lẽ phải

Đời sống và Pháp luật: Để không chờ đợi và bị động cho đến khi có đơn đặt hàng từ Chính phủ, Hội có thể làm gì? Liệu có thể kiện ra tòa quốc tế việc TQ dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974?

Hội Luật gia VN đã nghiên cứu hàng chục năm nay, phối hợp cơ quan hữu quan, các tổ chức có năng lực lớn như trường ĐH, viện nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành để nghiên cứu các cơ sở pháp lý, các quy định của luật pháp quốc tế có liên quan đến quốc gia ven biển.

Có thể khẳng định chúng ta hoàn toàn có công lý và lẽ phải. Nếu chúng ta tiến hành vụ kiện, tranh thủ dư luận quốc tế thì chúng ta hoàn toàn có thể thắng.

Chúng tôi phối hợp cơ quan chức năng tổ chức 5 cuộc hội thảo quốc tế lớn với sự tham gia của đại diện của các học giả, chuyên gia đầu ngành của 40 quốc gia trong 5 năm vừa rồi. Sắp tới Hội sẽ phối hợp với một số cơ sở mạnh nữa để tiếp tục tổ chức các hội thảo. Bây giờ chúng ta bàn câu chuyện sâu hơn, theo yêu cầu của đất nước, cần chuẩn bị các điều kiện và nếu cần thiết đưa ra sử dụng các cơ chế quốc tế.

Chúng tôi đã chuẩn bị để đưa ra những ý kiến tư vấn một cách chính xác, toàn diện. TQ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, xâm phạm an ninh hàng hải ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, đâm vào tàu thuyền ngư dân VN. Tất cả các hành động đó trái luật pháp quốc tế, trái đạo lý, vi phạm quyền con người. Đó là những cơ sở chuẩn bị hồ sơ nếu như khởi kiện.

Pháp luật TPHCM: Giả sử TQ rút giàn khoan đi, chúng ta còn cơ sở tiến hành kiện không?

Hai việc này khác nhau. Có kiện hay không kiện thì Đảng, Nhà nước sẽ tính toán một cách toàn diện. Nhưng giới luật gia vẫn  luôn luôn chuẩn bị, kể cả khi TQ rút đi thì cũng phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sẵn sàng tư vấn khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần.

VietNamNet: Có những cảnh báo không chính thức nếu VN kiện TQ, TQ có thể cũng kiện lại VN. Nếu giả thuyết này có thực, mức độ cạnh tranh pháp lý của hai bên tại tòa pháp lý quốc tế ra sao khi mà yếu tố chi phối không chỉ có pháp lý mà cả phi pháp lý?

Lần trước, trong họp báo chúng tôi có nói công lý là một giá trị lớn của nhân loại luôn hướng tới. Công lý dựa trên lẽ phải, niềm tin, luật pháp. Cảnh báo chỉ là cảnh báo. Chúng ta vững một niềm tin và đủ trí tuệ để nói rằng TQ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN căn cứ Công ước quốc tế Luật biển 1982 và các luật khác mà chúng ta là thành viên của LHQ đã khẳng định.

Không những Hội Luật gia VN mà Hội Luật gia dân chủ quốc tế đại diện cho hơn 100 nước thành viên cũng cùng chung ý, ủng hộ ý đó, quan điểm của VN. Về luật pháp quốc tế, chúng ta khẳng định là đúng. Về đạo lý, mọi dân tộc đều mong muốn chung sống hòa bình. Trên Biển Đông, an ninh, an toàn hàng hải là nguyện vọng chung của các quốc gia, không chỉ VN, TQ, là lợi ích các quốc gia mong muốn.

Nếu chúng ta vững về mặt pháp lý, được sự ủng hộ của quốc tế, phù hợp đạo lý chung vì lợi ích của các dân tộc quốc gia khác nữa thì chắc chắn chúng ta càng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ về mặt đạo lý, lẽ phải, pháp lý, chúng ta ở một vị thế mà chúng ta tin nếu kiện sẽ thắng.

Linh Thư - Hồng Nhì - Ảnh: Phạm Hải