- Trò chuyện với nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Đỗ Duy Thường một tuần trước khi các ứng viên đại biểu Quốc hội vận động bầu cử. Ông mong muốn tăng số dư để cử tri có quyền lựa chọn và tính cạnh tranh giữa các ứng viên cao hơn.

Ứng viên bộ trưởng về địa phương: luân phiên

Chậm nhất ngày hôm nay (27/4), Hội đồng bầu cử ban hành Nghị quyết công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Là người từng làm công tác bầu cử ở Mặt trận nhiều khóa, theo ông, việc phân bổ các ứng viên lâu nay căn cứ theo tiêu chí nào để đảm bảo công bằng, tránh tính trạng được phân về nơi không biết họ là ai?

- Từ trước đến nay trong Luật chưa có quy định cụ thể nào về việc phân bổ ứng viên Trung ương về các đơn vị bầu cử ở địa phương.

Ông Đỗ Duy Thường: Vẫn có thực tế là ứng viên được bầu xong thì quên cử tri và ngay cử tri cũng không thể nhớ nổi anh là ai. Ảnh: Long Anh
Hội đồng bầu cử sau khi nhận danh sách chính thức của đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và của Ủy ban bầu cử các địa phương gửi đến sẽ xem xét, lập và công bố danh sách người ứng cử về các đơn vị bầu cử trong cả nước.

Còn cụ thể như phân chia thế nào, cách làm, thủ tục ra sao thì chưa có quy định. Vừa rồi Quốc hội cũng chưa sửa được Luật bầu cử ĐBQH một cách căn bản, do đó việc này sẽ do Hội đồng bầu cử đưa ra quy định. Theo tôi:

Thứ nhất là đảm bảo tất cả các vùng, miền, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có ứng cử viên Trung ương.

Lãnh đạo cấp cao (từ ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và tương đương trở lên) căn cứ vào cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội để đưa về  địa phương  ứng cử. Chủ yếu đưa về các thành phố trực thuộc Trung ương, các trung tâm kinh tế, các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.

Ứng viên nào đang cư trú, làm việc ở địa phương mà được giới thiệu về làm chuyên trách ở Trung ương thì ứng cử ngay địa phương đó.

Ứng viên tái cử có thể  sẽ được tiếp tục về ứng cử tại nơi cũ.

Số còn lại, Hội đồng bầu cử căn cứ vào cơ cấu thành phần đại biểu để phân bổ đến các địa phương, bảo đảm sự hài hoà chung ở tất cả các đơn vị bầu cử trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra còn phải xét  tới nguyện vọng từ dưới lên vì một số tỉnh muốn một số ứng viên Trung ương là các đồng chí lãnh đạo cấp cao về ứng cử ở địa phương mình, nhất là những tỉnh còn khó khăn trong phat triển kinh tế - xã hội.

Nhưng số ủy viên Trung ương và bộ trưởng không nhiều, làm sao phân đủ một cách công bằng cho 63 tỉnh thành để địa phương khỏi tâm tư vì không được quan tâm?

- Các lãnh đạo cấp cao được phân bổ đồng đều chứ không dồn tất cả vào một chỗ. Nếu không sẽ dễ gây tâm tư là tỉnh này, tỉnh nọ đang thiếu sự quan tâm của TƯ. Rồi thì, vùng miền này nọ không có tiếng nói đại diện từ TƯ...

Nhưng số bộ trưởng thì ít, nguyện vọng lại nhiều nên Hội đồng  bầu cử sẽ phải cân nhắc kỹ.

Tất nhiên là Hội đồng bầu cử không phân chia ngẫu nhiên mà vẫn phải xem xét thông qua nguyện vọng của ứng viên.

Có những bộ trưởng muốn về quê, vì thấy tỉnh nhà khó khăn nên muốn về để góp phần xây dựng quê hương. Trong trường hợp nguyện vọng của tỉnh và của ứng viên tương thích thì phân bổ rất dễ.

Do đó, cách phân chia lâu nay cũng tương đối phù hợp.

Số thành viên Chính phủ ít như vậy thì Hội đồng bầu cử có chia luân phiên theo các khóa không?

- Luân phiên chứ.

Ví dụ Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư khóa trước ở tỉnh này thì khóa sau phải về một tỉnh khác.

Sau này trong luật cũng chỉ nên quy định có tính nguyên tắc thôi, phải căn cứ tình hình thực tế từng khóa. Chứ nếu để đảm  bảo hài hòa cho tất cả các tỉnh thành là rất khó.

Vẫn biết mỗi ứng viên khi về địa phương ứng cử thì trước hết nên làm tròn trách nhiệm của mình với  cử tri nơi đó, nhưng nên nhớ rằng mỗi ĐBQH đại diện cho tỉnh, thành nơi ứng cử nhưng cũng là đại diện cử tri cả nước.

Số dư vẫn hạn chế

Tại hội nghị hiệp thương lần ba vừa rồi, có vị ủy viên MTTQ đã phàn nàn chuyện phân bổ ứng viên không hợp lý dẫn đến tình trạng nhiều ứng viên tiềm năng vẫn bị trượt. Như vậy việc phân chia về địa bàn bầu cử quyết định bao nhiêu phần trăm khả năng trúng cử, thưa ông?

- Ai cũng muốn mình trúng cử và trúng với số phiếu cao.

Tâm lý e ngại, lo lắng là đúng, vì chỉ có lá phiếu cử tri mới quyết định ai trúng, ai trượt.


Địa bàn ứng cử cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất là năng lực, bản lĩnh của ứng viên. Sắp tới, khi đi vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri thì các ứng viên nên cố gắng thể hiện xuất sắc năng lực, trí tuệ, sức thuyết phục của mình.

Đây là cơ hội để ứng viên gặp gỡ, trao đổi với cử tri nên anh phải thu hút được sự quan tâm và thuyết phục được họ ủng hộ anh. Cử tri sẽ đánh giá chương trình hành động, trí tuệ, đo lường bản lĩnh và xem xét năng lực để quyết định có ủng hộ anh hay không.

Vẫn có thực tế là ứng viên được bầu xong thì quên cử tri và ngay cử tri cũng không thể nhớ nổi anh là ai. Điều đó tạo ra một khoảng cách xa vời.

Chính vì vậy, cử tri cần khó tính với đại biểu của mình. Sở dĩ cử tri chọn và ủng hộ ứng viên vì muốn họ đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.  Dù có là ủy viên Trung ương hay bác sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ thì phân về đâu cũng không được quên mình đại diện của cử tri, đại diện cho nhân dân.

Ở dưới địa phương là địa bàn có số dư lớn thì các ủy ban bầu cử phải làm thế nào để ai đó không có cảm giác mình là quân xanh hoặc bị lép vế?

- Tôi chưa trực tiếp làm bầu cử dưới địa phương. Nhưng có thể quan sát thấy những người ra ứng cử phải đảm bảo được tiêu chuẩn người đại biểu,  với chất lượng và trình độ ngày càng cao qua các khoá Quốc hội .

Trong quá trình sàng lọc, chất lượng ứng viên phải được nâng cao lên. Như vậy thì phân bổ ứng viên vào đơn vị nào cũng đủ để họ tự tin. Thực tế các vòng hiệp thương đã là một quy trình lựa chọn kỹ càng, lại có cả việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc, qua giám sát bước đầu của cử tri, nên danh sách chính thức giới thiệu của Mặt trận chỉ còn là những người đủ tiêu chuẩn.

Khi phân chia về các đơn vị bầu cử chỉ còn căn cứ theo cơ cấu thành phần các ứng viên bảo đảm đủ các gương mặt đại diện cho các lĩnh vực của đời sống xã hội, vùng, miền. Địa phương sẽ phải sắp xếp và cân đối.

Tôi luôn có mong muốn số dư ở mỗi đơn vị bầu cử tăng lên. Hiện giờ, số dư một, hai vẫn là hạn chế. Tôi muốn số dư cao hơn nữa để cử tri có quyền lựa chọn và tính cạnh tranh giữa các ứng viên cao hơn.

Đề xuất này đã được nêu nhiều  lần nhưng chưa thực hiện được. Có lẽ, do nhiều người lo lắng là số dư cao thì phân tán phiếu. Thậm chí e ngại rằng nếu không trúng cử thì không còn uy tín, rồi tâm lý cho rằng mình là "quân xanh" chứ không phải "quân đỏ".

Tôi cho rằng ứng viên không nên tâm tư nhiều như vậy. Đã qua các vòng hiệp thương, Mặt trận đã căn cứ vào tiêu chuẩn người đại biểu để lựa chọn giới thiệu, thì cử tri bầu ai cũng xứng đáng. Quan trọng là ứng viên phải thể hiện được bản thân, năng lực trong lúc đi vận động bầu cử.

Lê Nhung