- Kỳ họp lần thứ 8 của HĐND tỉnh Đồng Tháp là lần “phá cách” đầu tiên mời 12 cử tri, đại diện cho 12 đơn vị hành chính trên toàn tỉnh dự họp và phát biểu đóng góp ý kiến.
Ông Đặng Hoàng Minh, trú tại phường 2, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một trong 12 cử tri được mời dự kỳ họp HĐND tỉnh từ ngày 2-4/7. Ông đã chuẩn bị bài phát biểu 2 nội dung.
Cử tri Đặng Hoàng Minh được HĐND tỉnh Đồng Tháp mời họp và phát biểu vào ngày 4/7. Ảnh: Quốc Huy |
Trong đề tài tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, ông Minh muốn đề cập những bất lợi và hệ quả trồng lúa 3 vụ ở Đồng Tháp, vấn đề nuôi tôm thẻ chân trắng với những bất lợi hay nguy cơ.
Theo ông Minh, đưa ra nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng là rất cần thiết.
“Đây là vấn đề chúng tôi hết sức tâm đắc, mong người dân ở Đồng Tháp bớt đi cơ cực và phát triển nông thôn mới ở Đồng Tháp ngày càng tiến bộ” – ông nói với VietNamNet.
Theo cử tri này, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên sản xuất vẫn tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu thâm canh, đã xây dựng nhiều cánh đồng liên kết, tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao cho doanh nghiệp tiêu thụ, tạo phấn khởi cho người dân và bước đầu giúp nông dân làm quen dần sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết.
Nhưng ông cho rằng thực trạng ở Đồng Tháp hiện có có 30.000 đến 50.000 ha lúa gieo trồng vụ 3 có cần thiết không?
Trước cơ sở thực tiễn, ông Minh mạnh dạn đề xuất “hãy cho đất nghỉ” để đưa lũ tràn vào để lấy phù sa, diệt trừ sâu bệnh. Nông dân còn có nguồn lợi tự nhiên để khai thác, đa dạng lọai hình kinh tế, tăng thu nhập.
Bởi, người nông dân đã quá thấu hiểu sản xuất lúa vụ 3 có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội trong vùng lũ và những hệ lụy với tầm nhìn khách quan nông dân vừa cực vừa nghèo thêm.
Ông cho rằng, các tỉnh ở ĐBSCL mỗi năm được bù đắp hơn 150 triệu tấn phù sa cho đồng ruộng và rất nhiều nguồn lợi khác. Chính nguồn lợi phong phú này dành cho nền nông nghiệp thì chúng ta không nên đi lại ngược với phát triển của quy luật tự nhiên.
Ngoài ra, nó không chỉ đem lại nguồn lợi thủy sản thiên nhiên phong phú mà còn góp phần làm vệ sinh đồng ruộng, điều hòa thời tiết khí hậu và nạp nước ngầm vào vùng ĐBSCL. Có thể khẳng định, chính những đặc điểm đó đã tạo điều kiện cho ĐBSCL với những vùng sinh thái ngập nước, giàu tiềm năng từ bao đời nay.
Ông Minh chỉ ra hàng loạt lợi thế từ việc nước lũ dâng cao hàng năm, không chỉ bồi đắp phù sa màu mỡ mà còn thau chua rửa sạch mặn trên cánh đồng. Điều này rất thuận lợi cho việc trồng đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi.
Bộ Nông nghiệp sai lầm?
Cử tri cũng phản ánh dư luận chung không đồng tình sản xuất vụ lúa 3 khi vài năm gần đây, do số nơi “phá rào” đẩy mạnh việc làm lúa vụ 3, làm đê bao tràn lan số nơi không có trong quy hoạch.
Quang cảnh kỳ họp HĐND Đồng Tháp. Ảnh: Quốc Huy |
“Đúng ra chúng ta phải tuyên truyền ngăn chặn vì “lợi bất cập hại” thì chính quyền địa phương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT đã sai lầm chạy theo phong trào tự phát và biến lúa vụ 3 thành chính vụ. Đây là sai lầm, cần phải sửa, không có gì phải bàn cãi” – ông Minh nói.
Ông cho rằng, làm lúa vụ 3 lời ít hơn hai vụ lúa/năm và thậm chí nếu giá cả không được đảm bảo sẽ bị lỗ vốn. Thêm nữa, khi đắp đê thì trong vùng bao đê sẽ mất đi nguồn cá và đất đai mất nguồn phù sa quý giá.
Ông Minh nói thêm, làm lúa vụ 3 chưa bao giờ có lợi nhuận nhưng riêng về tác động tới môi trường, thiệt hại về thủy sản, đời sống văn hóa biến dạng thì có lẽ chẳng thể tính nổi.
Ngoài ra, điều kiện tự nhiên vốn rất tốt của ĐBSCL đã và đang bị bàn tay quy hoạch không hợp lý của con người làm cho méo mó. Con sông vốn hiền lành đang dần trở nên hung dữ vì bị đê bao hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn ha ngăn chặn với hàng tỉ mét khối đất.
“Nên hiểu nước biển xâm nhập sâu vào đất liền tức là nguồn nước ngọt từ thượng lưu về bị hạn chế. Do yếu tố thời tiết ít mưa, nước ở thượng lưu không đủ lượng nước ngọt để pha loãng nên khả năng rửa mặn kém đi là điều dễ hiểu” – ông Minh chỉ ra
Quốc Huy