Tiếng tít tít vang lên trong hệ thống loa truyền dẫn ở sở chỉ huy Cảnh sát biển. Một cán bộ báo với Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị đã kết nối thành công trực tiếp với hai tàu cảnh sát biển 8001 và 8003 đang làm nhiệm vụ ở ngoài khơi.
Trước mặt ông là hệ thống màn hình các cỡ lớn, cực đại, ghép lại hiện lên hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát biển trong boong tàu, trong khi các góc khác chiếu rõ những hình ảnh thực địa ngoài vùng biển.
Chiều 8/7 ở Hà Nội trời nắng gắt sau trận mưa lớn. Thăm hỏi các chiến sĩ qua dây nối điện thoại, Bí thư HN quan tâm thời tiết ngoài biển khơi, sóng to gió lớn khắc nghiệt ảnh hưởng đến các lực lượng thực thi pháp luật VN.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam |
Gửi lời chào từ đất liền, ông Phạm Quang Nghị khẳng định nhân dân cả nước cũng như người dân thủ đô luôn hướng về các chiến sĩ đang ngày đêm đương đầu với những khó khăn, thách thức, hiểm nguy.
“Chúng tôi tin tưởng, khâm phục ý chí, sự dũng cảm và chia sẻ những khó khăn của các đồng chí đang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc” - ông nói qua đầu dây điện thoại.
Ở đầu dây ngoài khơi, Đại úy Nguyễn Văn Hưng, thay mặt cán bộ chiến sĩ tàu cảnh sát biển 8003 gửi lời chào đất liền cũng như người dân thủ đô. Báo cáo nhanh với Bí thư HN, Đại úy Hưng cho hay, những ngày tháng qua, cảnh sát biển cũng như lực lượng kiểm ngư luôn đối mặt với các đợt gây hấn từ TQ.
Tại thực địa, TQ thường xuyên tổ chức khoảng 110 tàu, có thời điểm trên dưới 130 tàu các loại, trong đó có khoảng 6-8 tàu chiến để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Tàu TQ sử dụng tốc độ cao nhằm bao vây, phun vòi rồng, đâm húc, gây hư hỏng nhiều tàu của VN.
Theo Đại úy Hưng, đã có nhiều chiến sĩ bị thương trước các hành động gây hấn hung hăng của TQ. Tuy nhiên, trước một lực lượng tàu uy hiếp đông đảo, cảnh sát biển luôn nỗ lực kiềm chế, vượt qua mọi nguy hiểm, tiếp cận giàn khoan để phát loa tuyên truyền yêu cầu TQ rút giàn khoan cũng như toàn bộ tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển chủ quyền của VN.
Không nói về những nguy hiểm trực diện, Đại úy Hưng báo cáo tàu 8003 trong suốt hơn 2 tháng qua đã tổ chức tiếp cận giàn khoan hàng trăm lần, với khoảng cách 5-7 hải lý để phát loa tuyên truyền, khẳng định vùng biển chủ quyền của VN, yêu cầu TQ rút giàn khoan.
Tàu 8003 còn hỗ trợ các tàu khác, tổ chức bảo vệ tàu đánh cá của ngư dân đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống tại Hoàng Sa…
Điều khiến Đại úy Hưng nhắc nhiều đến trong dây nói truyền về đất liền, đó là sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tình cảm của người dân trên khắp cả nước, kiều bào ở nước ngoài được kết nối thường xuyên, góp phần động viên các chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ. Đặc biệt, chiến sĩ cảnh sát biển bày tỏ xúc động khi hậu phương, gia đình của anh đón nhận nhiều tình cảm, chia sẻ, quan tâm của cơ quan ban, ngành, đoàn thể và người dân.
“Xin hứa cùng 90 triệu dân, kiều bào, chúng tôi tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đoàn kết hiệp đồng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kiên cường bám trụ, đấu tranh bền bì, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho” - Đại úy Hưng nói.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyên, thuyền trưởng trên tàu 8001 kết nối dây về sở chỉ huy cũng báo cáo nhanh diễn biến thực địa. Trong câu chuyện chia sẻ với đất liền, các chiến sĩ cảnh sát biển nhiều lần nhắc đến nỗ lực đảm bảo sự đấu tranh kiên trì, bởi chỉ cần bất cứ động thái đáp trả mang tính gây hấn nào sẽ bị mắc “bẫy” khiêu khích của TQ.
Theo Thiếu tá Tuyên, mọi hành động của TQ trên thực địa chỉ để chờ đợi VN bước qua lằn ranh của sự kiềm chế, ảnh hưởng các nỗ lực đấu tranh chính trị, ngoại giao ở đất liền. Do đó, các lực lượng luôn phải đảm bảo sự kiềm chế tối đa, không mắc bẫy sử dụng vũ lực của phía TQ.
Ngoài khơi khi lực lượng cảnh sát biển đang ngày đêm bám trụ thực địa để thực thi nhiệm vụ pháp luật, khẳng định sự hiện diện ở vùng biển chủ quyền thì sở chỉ huy trung tâm của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cũng nóng song song 24/24h.
Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cho hay, suốt hơn 2 tháng qua, sở chỉ huy trung tâm chưa một phút giây nào tách rời thực địa.
“Nhiệm vụ của chúng tôi hiện nay là đảm bảo đấu tranh ở thực địa kiên trì, bền bỉ, đúng như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm nền tảng cho các nỗ lực đấu tranh ngoại giao, hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Quan trọng nhất là không để rơi vào bẫy khiêu khích của TQ” - ông nói với báo chí.
Trên góc trái màn hình trung tâm sở chỉ huy, các thông tin hiện chằng chịt về hệ thống tàu bè ngoài thực địa. Một cán bộ cảnh sát biển trẻ tuổi tay thoăn thoắt nhấp chuột “gắp” các thông tin mới nhất để hệ thống hóa thành dữ liệu.
Bí thư HN khẳng định đất liền luôn sát cánh với các chiến sĩ đang kiên cường làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển chủ quyền của đất nước. Sự chia sẻ, sát cánh không chỉ là tinh thần suông mà được thể hiện ở tinh thần lao động chăm chỉ, hăng say sản xuất, học tập không ngừng để đất nước ngày một vững mạnh, góp phần cho công cuộc bảo vệ chủ quyền ngày một vững chắc.
Bí thư Phạm Quang Nghị trong buổi nói chuyện với lãnh đạo Bộ tư lệnh Cảnh sát biển chiều 8/7 cho hay, bảo vệ chủ quyền biển đảo là công cuộc lâu dài, gian khổ, kéo dài qua nhiều thế hệ. Cho đến nay, VN vẫn kiên trì mọi mặt trận từ chính trị ngoại giao, thực địa, báo chí, dư luận và đang chuẩn bị tích cực cho đấu tranh pháp lý. Ông khẳng định, trong tình huống cần thiết, VN sẽ sử dụng tất cả mọi biện pháp đấu tranh hòa bình mà luật pháp quốc tế cho phép. |
L.Thư - H.Nhì