- "Ghi thiếu điện ở Sóc Sơn là trường hợp đầu tiên sai sót ở diện rộng, những sai sót nhỏ lẻ thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Hiện nay vẫn còn cách làm trèo lên cột điện nhìn bằng mắt và ghi số bằng tay thì sai sót là đương nhiên", Chủ tịch kiêm TGĐ EVN Hà Nội nói. 

Trao đổi với báo chí bên lề họp HĐND sáng nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm TGĐ EVN Hà Nội cho rằng, lượng điện tiêu thụ tăng do thời tiết nắng nóng nên hóa đơn tiền điện tăng vọt khiến người dân lo lắng.

Chủ tịch EVN Hà Nội dẫn con số năm 2013, có hơn 600 nghìn hóa đơn tiền điện tháng 6, tăng gấp rưỡi so với tháng 5. Năm nay khoảng hơn 680 nghìn hóa đơn tiền điện - mức tăng mà ông Tuấn cho là "không chênh nhiều" so với cùng kỳ năm ngoái.

{keywords}

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm TGĐ EVN Hà Nội.

Về mức tăng người dân cho là 'bất thường' ở Sóc Sơn, ông Tuấn cho rằng các trường hợp sai sót của cán bộ ghi số điện, đã kiểm tra, phát hiện và kỷ luật, tạm đình chỉ những người vi phạm.

"Ghi thiếu điện ở Sóc Sơn là trường hợp đầu tiên sai sót ở diện rộng, những sai sót nhỏ lẻ thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Hiện nay vẫn còn cách làm trèo lên cột điện nhìn bằng mắt và ghi số bằng tay thì sai sót là đương nhiên", Chủ tịch kiêm TGĐ EVN Hà Nội nói. 

"Nếu người dân phát hiện, phản ánh các sai sót đó, Tổng công ty sẽ phúc tra. Quy định là tất cả các công-tơ vượt trên 130% sản lượng so với tháng trước đều thuộc diện phúc tra. Chúng tôi sẽ cùng khắc phục với tinh thần cầu thị và xử lý đúng quy định".

Ông Tuấn cho biết trong trường hợp sai sót, đối với khách hàng sẽ xử lý theo hợp đồng, hoàn tiền và nhận lỗi với khách hàng. Còn nhân viên làm sai chắc chắn bị kỷ luật thỏa đáng.

Chủ tịch kiêm TGĐ EVN Hà Nội cũng cam kết đảm bảo điện trong mùa hè này. Trước tình hình nắng nóng khủng khiếp như hồi tháng 5 vừa rồi, lưới điện Hà Nội vẫn chịu được. Người dân thủ đô có thể hoàn toàn yên tâm từ nay đến hết hè sẽ đảm bảo được nguồn điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Vỉa hè phơi bày ra mà còn gian dối

Việc vỉa hè tuyến đường được coi là 'đắt nhất hành tinh' Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được làm lại do lát bằng gạch chất lượng kém và dễ vỡ cũng là chủ đề các đại biểu HĐND Hà Nội quan tâm, đặc biệt sau khi Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trực tiếp cho ý kiến về vấn đề này.

Phát biểu tại họp tổ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi chỉ ra đây là vấn đề "nhìn bằng mắt" là thấy sai phạm, không cần đo lường, kiểm tra phức tạp.

{keywords}

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi

"Cái gì chôn dưới đất thì còn bảo phải xem mới biết, nhưng vỉa hè là cái nhìn thấy ngay lập tức, phơi bày ra đó mà vẫn làm ăn gian dối được. Việc này đã nói rất nhiều lần mà chuyển biến rất chậm, đến khi Bí thư đi kiểm tra đã có ý kiến rất gay gắt", ông Lợi quan tâm đến chuyện truy cứu trách nhiệm, chỉ ra ai là người sai phạm để kiểm điểm, kỷ luật.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ ra sự vô lý khi thành phố bỏ cả nghìn tỷ đồng sửa chữa vỉa hè cho các quận nội thành mà ở đâu cũng để xảy ra chuyện đào lên lấp xuống, lủng củng, lãng phí và đặc biệt, "ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân về khả năng điều hành chung của thành phố".

Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam thì nói thẳng: Chất lượng vỉa hè cũng như các công trình kết cấu hạ tầng, mà Sở Xây dựng là người chịu trách nhiệm trước thành phố, đã yếu kém từ nhiều năm, nay nổi lên là do Bí thư đi kiểm tra, lại là trong một bối cảnh "rất buồn" là năm 2014 được Hà Nội chọn là năm văn minh trật tự đô thị.

Vỡ đường ống nước, Hà Nội bị nói không ra gì

Trước tình hình người dân thủ đô liên tục điêu đứng vì bị cắt nước, ông Hồ Quang Lợi không tin nổi khi "đường ống dẫn nước sông Đà đã vỡ đến giờ là lần thứ 7".

"Một công trình thiết yếu, liên quan đến đời sống của người dân mà từ thiết kế, thi công đến giám sát như thế nào để vỡ liên tục. Mỗi lần vỡ là một lần hình ảnh Hà Nội bị nói không ra gì, nhưng quan trọng hơn là hàng vạn người dân không có nước dùng, là một việc rất nghiêm trọng", Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nói.

Bí thư quận ủy Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Văn Hải, vốn là GĐ Sở Quy hoạch-Kiến trúc, thì chỉ ra vấn đề trên địa bàn: Đường nước sông Đà chạy qua quận Nam Từ Liêm mà nửa số phường không có nước máy để dùng, vẫn phải dùng nước giếng khoan. Nguyên nhân là do thành phố vẫn còn nợ tiền công ty nước sạch nên các đường ống dẫn từ trục vào từng hộ dân chỉ 50-100m mà vẫn chưa làm được.

Qua ý kiến của các thành viên HĐND, các vấn đề này dự kiến sẽ làm nóng phiên chất vấn ngày mai (10/7).

Chung Hoàng