- Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có tổng số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng gần 7 triệu đồng).
Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIII, kì họp thứ 7 thông qua.
Các luật này gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật công chứng.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo nhiều điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, trong đó bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân người có công với cách mạng và giảm mức đồng chi trả từ 20% xuống 5% đối với người thuộc hộ cận nghèo.
Một bệnh nhân than phiền với Bộ trưởng Y tế về cơ chế hành chính phiền toái. |
Đặc biệt, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có tổng số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng gần 7 triệu đồng) để tăng sự hấp dẫn và gắn bó với BHYT.
Bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết BHYT là chính sách an sinh xã hội, để thực hiện quy định BHYT là bảo hiểm bắt buộc luật đã gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai. Về phía Bộ Y tế sẽ tiếp tục cải cách hành chính, giảm quy trình và xử phạt nghiêm vi phạm để tăng tính hấp dẫn của BHYT.
Một quy định đột phá nữa của Luật BHYT là từ ngày 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trong cùng 1 tỉnh, mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương khi điều trị nội trú đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số hoặc đang sinh sống ở các xã, huyện đảo.
Điều này có nghĩa là người dân được quyền khám chữa bệnh tại bất cứ trạm y tế xã, phòng khám trong toàn huyện mà vẫn được BHYT thanh toán 100%. Bà Hương cho biết đây là quy định tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh BHYT để họ không bị ràng buộc như thời gian qua.
Luật cũng đưa ra khái niệm mới là “Gói dịch vụ y tế cơ bản”. Bà Hương thông tin: Quy định này sẽ giúp chúng ta cân nhắc nên dùng dịch vụ gì, thuốc gì, … một cách hiệu quả, tránh mở rộng tràn lan, ôm đồm nhiều dịch vụ không cần thiết.
Tôn trọng quyền tự do quyết định của người dân
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Luật hôn nhân và gia đình không thừa nhận hôn nhân đồng giới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nói rõ: So với năm 2000 (quy định cấm kết hôn giữa người có cùng giới tính) thì Luật hôn nhân và gia đình lần này quy định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa người có cùng giới tính, cho thấy Nhà nước và xã hội tôn trọng quyền tự quyết định của người dân.
Với câu hỏi nếu người cùng giới tính vẫn chung sống và nếu phát sinh tranh chấp liên quan đến tài sản thì giải quyết thế nào, ông Tụng nói: Luật HNGĐ chỉ ghi nhận tuyên bố của Nhà nước là không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa người cùng giới, nghĩa là họ có thể chung sống với nhau nhưng không thể đăng kí kết hôn theo quy định,
Nếu chung sống mà có phát sinh tài sản thì giải quyết theo các luật có sẵn (như luật dân sự).Về nguyên tắc, tài sản riêng thì của ai người đó lấy về, còn nếu các bên cùng tạo lập tài sản thì nguyên tắc là chia đôi. Các bên có thể chứng minh công sức của mình, tòa án sẽ dựa vào đó để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Nếu 2 bên khác giới mà chung sống với nhau, một bên tố cáo bên kia có hành vi hiếp dâm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét cụ thể, căn cứ quy định pháp luật và bằng chứng xem có hành vi hiếp dâm không để xem xét xử lý về hình sự, áp dung các quy định về tố tụng hình sự để giải quyết.
Cẩm Quyên