- Đàm phán hiệp định Geneva 1954 để lại bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Sáng nay, tại trung tâm hội nghị quốc tế, Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở VN (20/7/1954 -20/7/2014). 

XEM PHIM TÀI LIỆU VỀ HIỆP ĐỊNH GENEVA CHIẾU TẠI BUỔI LỄ:

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định việc ký kết hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Nhà nước VN Dân chủ Cộng hòa.

Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và “mỗi nước tham gia hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ…”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của VN; quân đội Pháp phải rút về nước, miền Bắc VN được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng XHCN, trở thành hậu phương to lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

“Hiệp định Geneva là một bước tiến quan trọng, khẳng định khát vọng của VN về một nền hòa bình gắn liền với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước” - Chủ tịch nước nói.

{keywords}

Bài học bảo vệ lợi ích quốc gia

Chủ tịch nước cho rằng, 60 năm đã đi qua, tình hình quốc tế và khu vực đã có nhiều thay đổi, nhưng hiệp định Geneva vẫn luôn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. 

Đó là bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, tận dụng hết khả năng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đó cũng là bài học về tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định để phát triển; bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Chủ tịch nước nhấn mạnh bốn nhiệm vụ. Trong đó khẳng định tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, cùng phát triển; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu và nguyên tắc cao nhất; đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực mưu toan xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của VN, đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng những cam kết khu vực và luật pháp quốc tế.

{keywords}
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan gian trưng bày về hiệp định Geneva tại buổi lễ sáng nay

Bên cạnh đó, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước và nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế; đồng thời thực hiện nhất quán phương châm “VN là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển”...

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đoàn đại biểu Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa do những đóng góp to lớn tại hội nghị Geneva 1954 dẫn đến chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN. 

Các ông nguyên chuyên viên đoàn đại biểu VN Dân chủ Cộng hòa gồm: Hà Văn Lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trần Việt Phương - nguyên thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Lê Danh - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng và Nguyễn Lanh đã thay mặt Đoàn đại biểu VN Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Geneva năm 1954 lên nhận danh hiệu cao quý này.

"72 ngày đêm ấy là một cuộc đấu tranh ngoại giao dựa trên thắng lợi Điện Biên Phủ, phấn đấu giành sự tôn trọng của thế giới về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Đất nước tạm thời chia làm hai miền và chuẩn bị nếu thực hiện đúng hiệp định thì 2 năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước. 

Nhưng hiệp định đã bị lực lượng xâm lược phá hoại, nên dân tộc ta phải tiếp tục 21 năm chống xâm lược, giành lại toàn vẹn lãnh thổ nước ta, đưa dân tộc ta vào thời kỳ phát triển mới cho đến ngày nay - đất nước hưng thịnh và chủ động hội nhập quốc tế và thời đại”.      

 - Ông Trần Việt Phương, nguyên Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên chuyên viên đoàn đại biểu VN Dân chủ Cộng hòa.

"Bất luận thế nào, thời gian dù có dài bao nhiêu nữa, điều bất biến là quyền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu, tốn bao nhiêu trí tuệ để giành được công nhận đó của thế giới. Tiếc rằng trong một thế giới đầy phức tạp này, rất nhiều nước đã vi phạm cam kết ở Geneva, Paris. 

Họ vẫn vi phạm độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của ta. Do đó chúng ta không được lơi lỏng mà dùng mọi biện pháp có thể, nỗ lực dùng biện pháp hòa bình, ngoại giao để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là điều có ý nghĩa thời sự chứ không phải chuyện của 60 năm trước". 

- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan


Linh Thư - Xuân Quý. Nguồn clip: Bộ Ngoại giao