Vụ Chu Vĩnh Khang phá vỡ “quy tắc” là các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị động đến sau khi nghỉ hưu.

Reuters ngày 30/7 dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã nhận được sự hậu thuẫn của 2 nhà cựu lãnh đạo là ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân để mở cuộc điều tra đối với cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.

{keywords}

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) quyết tâm xử lý cả những cán bộ cao cấp nếu có tham nhũng

Theo các nhà phân tích chính trị, nếu không nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của những cựu lãnh đạo, ông Tập Cận Bình sẽ gặp không ít khó khăn để điều tra một nhân vật có tầm ảnh hưởng và quyền lực như Chu Vĩnh Khang.

Ông Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi, được cho là quan chức cấp cao nhất của TQ bị điều tra về những cáo buộc tham nhũng từ năm 1949 tới nay.

Tuyên bố ngắn gọn được TQ đưa ra hôm 29/7 cho biết, ông Chu Vĩnh Khang đang là mục tiêu điều tra của cơ quan giám sát chống tham nhũng của đảng do nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” mà không đề cập đến những cáo buộc chi tiết.

Dù tuyên bố của nhà chức trách TQ không nêu chi tiết về những việc làm sai trái của Chu Vĩnh Khang nhưng các nguồn tin khẳng định, ông này đã bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ để đề bạt nhiều tay chân vào các vị trí quan trọng.

Một nhà phân tích chính trị nói với Reuters, bằng cách phá vỡ một quy tắc bất thành văn là các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị động đến sau khi đã nghỉ hưu, ông Tập có thể sẽ làm mất lòng nhiều quan chức lớn tuổi đã “lui vào hậu trường” - những người vốn lo sợ rằng họ và gia đình có thể là những mục tiêu tiếp theo sau vụ Chu Vĩnh Khang.

Trên thực tế, phương tiện truyền thông nhà nước TQ cho biết, từ tháng 12/2012 đến nay, đã có khoảng 30 quan chức cấp tỉnh, cấp bộ thậm chí cao hơn đã bị điều tra vì những cáo buộc tham nhũng.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “Mọi việc sẽ không dừng lại ở đây. Việc điều tra Chu Vĩnh Khang không phải là điểm kết thúc của những nỗ lực chống tham nhũng. Đây là một bước trong quy trình. Trong tương lai, bất kỳ ai tham nhũng đều bị trừng phạt”.

Theo Reuters, ông Chu Vĩnh Khang đã bị quản thúc tại gia từ tháng 12/2013 sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh cho một đội điều tra đặc biệt xem xét những cáo buộc tham nhũng.

Nguồn tin mà Reuters có được cho hay, chính quyền TQ cũng đã tịch thu khối tài sản trị giá khoảng 90 tỷ nhân dân tệ (14,56 tỷ USD) từ các thành viên gia đình và cộng sự của Chu Vĩnh Khang. Ngoài ra, hơn 300 người trong đó có người thân, “các tay chân thân tín” của ông Chu cũng bị bắt giam hoặc bị thẩm vấn để thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra.

Truyền thông TQ rúng động

Theo BBC, trang nhất của nhiều tờ báo lớn ở TQ hôm nay (30/7) đồng loạt đưa tin về việc giới chức Bắc Kinh chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với ông Chu Vĩnh Khang do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".

Một bài bình luận của Tân Hoa xã có đoạn: “Tuyên bố về việc điều tra cựu quan chức cấp cao Chu Vĩnh Khang đã cho thấy sự can đảm, quyết đoán và quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của đảng Cộng sản TQ”.

Cơ quan ngôn luận chính thức của Nhà nước TQ cho rằng, trường hợp của Chu Vĩnh Khang cho thấy Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ thành viên nào của đảng có các hành vi vượt ra ngoài thẩm quyền, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật đảng.

Tờ TQ hàng ngày thì nhấn mạnh: “Có nhiều hoài nghi về việc ông Tập Cận Bình cùng bộ máy lãnh đạo của mình đã sẵn sàng để thực hiện một bước đi mạo hiểm về mặt chính trị như vậy vì ông Chu từng là một trong những nhân vật hàng đầu trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước”.

Báo này cũng cho biết thêm: “Cuối cùng ông Tập đã quyết định đưa vụ Chu Vĩnh Khang ra ánh sáng để chứng minh cam kết của bộ máy lãnh đạo đất nước về việc không có chỗ trú ẩn an toàn cho những cá nhân lạm dụng quyền lực”.

Ngoài ra, các tờ báo như Nhân dân nhật báo, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng... cũng đều đưa tin về vụ việc này. 

Theo VOV