Khi Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, người dân ở khắp Đông Á tự hỏi liệu quốc gia của họ có thể có được những mối quan hệ hòa bình và ổn định, đúng như đặc điểm của châu Âu hiện tại.

Bài bình luận của Yoon Young-kwan, Ngoại trưởng Hàn Quốc năm 2003-2004, hiện là giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại đại học Quốc gia Seoul.

Dân chủ để đảm bảo hòa bình

Với những tranh cãi ngoại giao gần như xảy ra thường xuyên - ở tất cả mọi khía cạnh từ chủ quyền các đảo ở Biển Đông tới những di sản của Thế chiến II - điều này có vẻ là giấc mơ khó nắm bắt. Nhưng với chủ nghĩa dân tộc gia tăng, ngân sách quân sự không ngừng mở rộng, yêu cầu đạt được sự đồng thuận đã trở thành bắt buộc với cả khu vực. Điều này liệu có thể thực hiện?

Ảnh minh họa: northgencapital
Quan điểm "tự do" trong quan hệ quốc tế thể hiện ở ba yếu tố: chính trị dân chủ, kinh tế phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc hơn và các thể chế hiện hữu để các nước Đông Á có thể tiến hành công việc của họ theo một con đường đa phương. Bởi vì như Immanuel Kant trước đây từng nhấn mạnh, các quốc gia với những hệ thống chính trị dân chủ sẽ không giành giật với nước khác, dân chủ vì thế nên được khuyến khích để đảm bảo hòa bình.

Theo đuổi dân chủ từ lâu đã tồn tại trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Các nước châu Âu kể từ năm 1945, đã coi dân chủ là yếu tố cốt lõi trong hội nhập của họ. Tuy nhiên, những hệ thống chính trị đa dạng tại Đông Á lại khiến cho sự đồng thuận trong dân chủ khó khả thi, ít nhất là ở hiện tại.

Mặt khác, sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau trong các quốc gia Đông Á rất sâu sắc. Trong suốt 30 năm, Đông Á đã có những phần thưởng xứng đáng theo đúng như cách nhìn sâu sắc của Adam Smith rằng, tự do thương mại sẽ mang lại lợi ích vật chất cho các bên tham dự. Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách khu vực đã gây rủi ro cho tiến trình này thông qua cách hành xử đối đầu.

Sự phụ thuộc kinh tế ở Đông Á tăng mạnh tiếp sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Nhưng những tranh cãi giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nhật Bản, Trung Quốc - Nhật Bản trong năm qua đã khiến rất nhiều người tự hỏi rằng, liệu chỉ phụ thuộc kinh tế lẫn nhau có thể mang lại các mối quan hệ ổn định trong khu vưc.

Lộ trình thứ ba tới hòa bình - thể chế hóa quan hệ quốc tế - nhằm đặt ra quy tắc cho hành xử của các quốc gia thông qua một hệ thống các chuẩn mực và quy định, từ đó kiến tạo nên trật tự (và hòa bình). Với động cơ tư duy như vậy, khát vọng của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson là thành lập Hội Quốc Liên sau Thế chiến I, và là động lực để Tổng thống Franklin Roosevelt thúc đẩy việc thành lập Liên hợp quốc cùng thể chế Bretton Woods sau Thế chiến II.

Tương tự như vậy, các nước châu Âu chấp nhận những chuẩn mực và quy định chung của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, và luôn sẵn sàng để điều chỉnh chúng. Trên thực tế, Liên minh châu Âu là kết quả của một quá trình nỗ lực liên tục, kéo dài để tăng cường những nguyên tắc và quy định chung trong các quốc gia thành viên.

Khác với châu Âu, Đông Á gồm những nước khác biệt cơ bản về quy mô, kích cỡ, sự phát triển và hệ thống kinh tế - chính trị. Các nhà hoạch định chính sách Đông Á hiểu rằng, họ có thể không làm được gì nhiều để có thể thay đổi hệ thống chính trị của các nước láng giềng. Họ cũng không nỗ lực được hơn theo một cách chính thức để tăng cường sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau trong ngắn hạn.

Lập các thể chế ít tham vọng hơn

Vì vậy, là tự nhiên khi các nhà hoạch định chính sách của khu vực tập trung nhiều hơn vào thể chế hóa, với các cuộc thảo luận sôi nổi thường xuyên diễn ra giữa các nhóm: ASEAN+3, Thượng đỉnh Đông Á, Cộng đồng Đông Á, Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương…

Nhưng tiến trình này đã bị chính trị hóa và chi phối bởi cuộc tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn. Trên thực tế, Đông Á dường như thiếu những kiến trúc sư tầm nhìn sắc bén của EU như Jean Monnet và Robert Schuman - với vị thế và hỗ trợ chính trị cần thiết để bắt đầu xây dựng khuôn khổ chung cho hòa bình khu vực vào đúng thời điểm - như hiện tại - đang có thay đổi lớn.

Vì thế, ngay bây giờ, Đông Á cần rất thực tế về việc thể chế hóa các vấn đề khu vực. Thay vì dùng sức lực, tâm trí để cố gắng xây dựng những thể chế quy mô lớn, bao trùm toàn bộ khu vực, thì tốt hơn là tập trung vào những thế chế nhỏ hơn, định hướng cụ thể hơn.

Ví dụ, bước đi thành công đầu tiên hướng tới hợp tác kinh tế khu vực Đông Á là Sáng kiến Chiang Mai cho sự trao đổi tiền tệ quốc tế, tiếp sau cuộc khủng hoảng 1997-1998. Tương tự như vậy, đàm phán sáu bên về vấn đề phi hạt nhân Triều Tiên, cho dù chưa đạt được kết quả đáng kể nào, nhưng vẫn là cơ chế hữu ích duy nhất để giải quyết vấn đề chung.

Thảm họa hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản, có thể dẫn tới vấn đề đặc biệt khác với thể chế khu vực, lần này là tập trung vào an toàn hạt nhân. Với những quốc gia láng giềng của Nhật, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế là chưa đủ; những lo ngại khẩn cấp của họ đủ để tạo áp lực dẫn tới thành lập một cơ chế khu vực. Ví dụ, hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản ngày 21-22/5 ở Tokyo sẽ tập trung vào vấn đề an toàn hạt nhân và chuẩn bị cho cơ chế hợp tác khu vực chặt chẽ hơn.

Với 88 nhà máy hạt nhân hiện đang vận hành tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, sáng kiến này rất quan trọng. Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong các lò phản ứng của họ xảy ra vấn đề tương tự như ở Fukushima? Hơn thế nữa, Triều Tiên còn sở hữu khu liên hợp hạt nhân Yongbyon mà không có sự giám sát quốc tế.

Nói rộng ra, chỉ thông qua việc thành lập các thể chế ít tham vọng hơn, quy mô nhỏ hơn, định hướng cụ thể hơn mới có thể tạo đà để kiến tạo một khuôn khổ khu vực cho hòa bình. Sau tất cả, Rome không được xây dựng chỉ trong một ngày, và EU cũng phải bắt đầu từ những bước đi nhỏ để dần tiến tới hội nhập.

Thái An (theo project-syndicate)