- Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt lạc quan rằng khi xây dựng luật về các vấn đề tôn giáo, VN sẽ thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và việc thực thi các quyền này trong thực tế.
Ông Heiner Bielefeldt vừa có chuyến thăm và làm việc tại VN từ 21-31/7, theo lời mời của Chính phủ VN. Ông đã gặp các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của VN, các cộng đồng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng ngoại giao và các cơ quan LHQ ở VN.
Tại cuộc họp báo thông tin sơ bộ về chuyến thăm hôm nay (31/7), báo cáo viên đặc biệt của LHQ cho biết đã có những cuộc thảo luận "cởi mở, thẳng thắn, mang tính xây dựng" ở Hà Nội, Tuyên Quang, TP.HCM và Vĩnh Long.
Ông Heiner Bielefeldt. Ảnh: Chung Hoàng |
Sau 10 ngày ở VN, ông Heiner Bielefeldt nhận xét sơ bộ rằng "các điều kiện để thực hành tự do tôn giáo ở VN nhìn chung đã được cải thiện so với tình hình sau năm 1975; các cộng đồng tôn giáo đã có nhiều không gian để thực hành tôn giáo hơn trong quá khứ".
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đưa ra nhận định đáng chú ý là tuy VN có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng, với 37 tổ chức tôn giáo có đăng ký trong cả nước và khoảng 24 triệu trong tổng dân số 90 triệu người là tín đồ của các tôn giáo được công nhận, nhưng VN lại chưa có luật riêng để điều chỉnh các vấn đề tôn giáo.
Văn bản pháp lý liên quan nhất hiện nay là pháp lệnh về tôn giáo và tín ngưỡng ban hành tháng 6/2004. Hiến pháp mới sửa đổi năm 2013, tại điều 24, đã ghi nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, theo nhận định của ông Heiner Bielefeldt, "cho thấy thái độ nhìn chung là tích cực hơn đối với tự do tôn giáo và tín ngưỡng".
Do vậy, ông bày tỏ lạc quan về một dự án xây dựng luật trên nền tảng pháp lệnh nói trên, dự kiến sẽ ra năm 2016.
"Quá trình soạn thảo một luật mới toàn diện có thể là cơ hội để có những sửa đổi cụ thể với mục đích thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và việc thực thi quyền này trong thực tế". Ông Heiner Bielefeldt lưu ý một số vấn đề còn vướng mắc như tài sản và đất đai của các cơ sở tôn giáo, điều kiện thực hành tôn giáo của người nước ngoài, thủ tục hành chính đối với thực hành tôn giáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tôn giáo, quyền tự chủ của các cộng đồng tôn giáo...
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng chia sẻ quan sát về một số khó khăn trong quá trình tiếp cận cơ sở tại VN. Ông cho biết sẽ tiếp tục liên hệ thực tiễn, song song với việc tham vấn Chính phủ VN và các bên liên quan, để hoàn thành báo cáo chính thức trình bày tại kỳ họp thứ 28 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 3/2015.
Ông Heiner Bielefeldt là báo cáo viên đặc biệt của LHQ thứ 6 có các chuyến thăm quốc gia đến VN từ năm 2010 đến nay. Các chuyến thăm này là thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền mà VN là thành viên từ năm 2013.
Chung Hoàng