- Ba bên - đại diện người lao động, đại diện doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước - đã không thể thống nhất về mức lương tối thiểu mới cho người lao động.

>> Có DNNN không lợi nhuận lương vẫn cao vút
>> Lương thấp chỉ tuyển được người yếu làm chính sách

Sự việc xảy ra ngày 31/7 tại phiên họp chung của Hội đồng tiền lương quốc gia, thảo luận về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng cho năm 2015.

{keywords}
Lương tối thiếu mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ảnh: Lao Động

Theo báo Lao Động, đại diện phía sử dụng lao động là Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đề nghị điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng ở mức 11% (khoảng 2,9 triệu đồng/tháng) so với hiện tại. Bộ LĐ-TB-XH - cơ quan quản lý nhà nước - thì đề nghị mức tăng 14% (khoảng 3,05 triệu đồng).

Phía đại diện người lao động - Tổng LĐLĐVN - đề nghị phải điều chỉnh tăng ở mức 23% (khoảng 3,4 triệu đồng/tháng).

Thương lượng tại phiên họp, Tổng LĐLĐVN đồng ý rút xuống mức điều chỉnh tăng là 19,6% (khoảng 3,2 triệu đồng/tháng), trong khi VCCI chỉ chấp thuận điều chỉnh tăng ở mức 14% như đề nghi của Bộ LĐ-TB-XH.

Do các mức đề nghị điều chỉnh lương tối thiểu vùng có sự chênh lệch khá lớn nên các bên chưa thể đưa ra ý kiến thống nhất về một mức tương đối. Do không đồng ý với mức mà VCCI và Bộ LĐ-TB-XH đưa ra, Tổng LĐLĐVN đã không bỏ phiếu.

Trước đó, trả lời báo Lao Động, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng lý giải mức tăng mà ông đề nghị: Kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu của người lao động năm nay so sánh với tiền lương tối thiểu vùng năm 2014 cho thấy lương tối thiểu vùng I mới đạt 67,6% mức sống tối thiểu; tương tự vùng II mới đạt 70,1%; vùng III 70,6%; vùng IV 76,6%.

Như vậy lương tối thiểu vùng năm 2014 còn thấp hơn từ 25,4% đến 32,4% nhu cầu sống tối thiểu, trong khi giá sinh hoạt ngày càng tăng, làm cho tiền lương thực tế có xu hướng giảm.

Từ phía các cơ quan của QH, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề XH hôm nay (1/8) trao đổi với báo chí thì nhận định: Đây là bài toán đặt ra cho các cơ quan chức năng là thành viên hội đồng.

"Đại diện người lao động thì muốn đẩy nhanh mục tiêu đến năm 2018 tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Bộ LĐ-TB-XH thì gắn tiền lương với năng suất lao động, một yếu tố quan trọng mà lâu nay ta bỏ quên hoặc coi nhẹ. Đại diện giới chủ thì muốn tiền lương đảm bảo doanh nghiệp tồn tại và phát triển, đồng nghĩa với tạo việc làm cho người lao động", ông Bùi Sĩ Lợi phân tích.

Theo ông, trong quá trình thảo luận, phải tính đến tất cả các yêu cầu trên để "tính chịu đựng của cả 3 phía có được sự đồng thuận", đưa ra một phương án thống nhất.

Dự kiến ngày 6/8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục nhóm họp để tìm ra tiếng nói chung trong việc đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm tới.

Chung Hoàng