Sau khi “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang sa lưới, chiến dịch chống tham nhũng của TQ dường như đang hướng tới mục tiêu là quân đội và những quan chức cấp cao ở Thượng Hải.

Các phương tiện truyền thông TQ khẳng định, cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang không đánh dấu cho sự chấm hết của chiến dịch chống tham nhũng. Việc Chu – một lãnh đạo cấp cao nhất của TQ bị điều tra tham nhũng tính tới thời điểm này – chỉ giống như một mẻ “cất vó” sau khi rất nhiều lãnh đạo, nhà điều hành cấp cao sa lưới.

Và TQ khẳng định mọi thứ vẫn tiếp tục.

{keywords}

Sau Chu Vĩnh Khang, hổ nào tiếp tục sa lưới? Ảnh: economist

Đã có một số dấu hiệu có thể nhận biết. Thứ nhất, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã tận dụng dịp kỷ niệm 87 năm thành lập quân đội (PLA) để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ tham nhũng trong quân đội. Vị tướng cao cấp cũng là cựu ủy viên Bộ Chính trị Từ Tài Hậu bị điều tra có thể mới chỉ là bước đầu của một chiến dịch chống tham nhũng tập trung vào quân đội.

Theo Tân hoa xã, trong một chuyến thăm ở Phúc Kiến, ông Tập cam kết “mạnh tay và tấn công không khoan nhượng vào tham nhũng trong quân đội”.

Ở một bài bình luận khác, hãng Tân hoa lập luận, “chống tham nhũng trong quân đội là điều kiện sống còn để xây dựng một PLA hùng mạnh có thể bảo vệ người dân ở thời điểm khu vực có nhiều thách thức”. Ông Tập Cận Bình từng nhấn mạnh cần tập trung vào việc tạo ra một đội quân hiện đại, sẵn sàng chiến đấu ở TQ.

Trong khi các nhà phân tích phương Tây tập trung vào khía cạnh công nghệ cho nỗ lực hiện đại hóa PLA, thì cần hiểu rằng, khía cạnh tổ chức cũng rất quan trọng. Khía cạnh này bao gồm cả loại bỏ vấn nạn tham nhũng kiểu như việc mua quan bán chức ngăn chặn những nhân sự có chất lượng tốt hơn tham gia hàng ngũ quân đội.

Như vậy, lần này, PLA dường như là tâm điểm khi chiến dịch chống tham nhũng được TQ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Chiến dịch ấy sẽ không chỉ nhằm vào việc điều tra, xét xử các “con hổ” như Từ Tài Hậu, mà còn thắt chặt sự kiểm soát những đặc quyền của quân đội từ xe hơi cao cấp tới bất động sản. Đồng thời, quân đội TQ đang tái cơ cấu chế độ tuyển dụng nhằm thu hút nhiều nhân sự chất lượng tham gia đội ngũ.

 Sự tập trung vào quân đội không có nghĩa là các quan chức dân sự có thể “dễ thở”. Với việc cất mẻ lưới Chu Vĩnh Khang khá hiệu quả, chiến dịch chống tham nhũng TQ đang cần tìm kiếm một mục tiêu mới. Và Thượng Hải dường như lại lọt vào kính ngắm. Cùng với những thông báo điều tra Chu Vĩnh Khang, Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật trung ương TQ đã cử một tổ công tác tới Thượng Hải và dự kiến ở lại thành phố này trong vòng hai tháng.

Là trung tâm thương mại của TQ, Thượng Hải có thể là lựa chọn của những quan chức chính phủ có đầu óc kinh doanh và mong muốn làm giàu cho chính mình.

Trọng tâm mới nhằm vào Thượng Hải cũng có thể cho thấy, ông Tập Cận Bình đặt ra mục tiêu còn lớn hơn cả Chu Vĩnh Khang. Thời báo Tài chính Anh còn cho rằng, ông Tập có thể sẽ nỗ lực điều tra cả những nhà lãnh đạo TQ về hưu song vẫn có ảnh hưởng khá lớn trong bộ máy hiện tại.

Đã có những thông tin trái ngược nhau về ảnh hưởng của các “cựu tiền bối” với chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Ví dụ như hãng Reuters đưa tin, ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đã “bật đèn xanh” trong vụ điều tra Chu Vĩnh Khang. Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình vẫn cần sự đồng thuận của những người tiền nhiệm để tiếp tục chiến dịch.

Tuy nhiên, Thời báo Tài chính Anh lại tiết lộ, cả hai vị tiền nhiệm trên đã thúc giục ông Tập dừng bước hoặc ít nhất “thu nhỏ” quy mô của chiến dịch chống tham nhũng. Theo FT, hai vị này tán thành việc điều tra Chu Vĩnh Khang nhưng lo ngại nếu như ông Tập tiếp tục hướng tới các quan chức cấp cao khác trong bộ máy.

Nếu điều này là sự thực, trong vài tháng tới, nhất là khi chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào những “con hổ” ở quân đội và Thượng Hải, thì người ta có thể biết liệu ông Tập có chú tâm tới khuyên can của các tiền bối hay không.

Thái An (Theo Diplomat)