Philippines hôm nay cho biết đã nhận được sự tán thành từ Việt Nam, Indonesia và Brunei cho kế hoạch làm giảm căng thẳng ở Biển Đông dự kiến đưa ra tại hội nghị khu vực tuần này.

{keywords}
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. Ảnh: EPA
Kế hoạch của Manila là kêu gọi lập tức ngừng các hoạt động làm leo thang căng thẳng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên biển. Biển Đông có những hải lộ quan trọng với thương mại toàn cầu và được tin là giàu trữ lượng dầu khí.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) Charles Jose, kế hoạch ba bước (TAP) sẽ được đưa ra tại một hội nghị ASEAN tổ chức ở Myanmar tuần này. Kế hoạch đã được Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đề cập trong những chuyến thăm gần đây tới Brunei, Việt Nam và Indonesia.

"Cho tới nay, các nước đều thể hiện sự ủng hộ với sáng kiến", ông Jose nói với báo giới. Ông nhấn mạnh, Ngoại trưởng del Rosario và các quan chức khác của Philippines sẽ cố gắng đưa ra sáng kiến tại các cuộc thảo luận của ASEAN.

Philippines cho biết, TAP sẽ đưa ra các hoạt động "cụ thể" và đóng vai trò "định nghĩa cụ thể hơn" cho tuyên bố 2002 về nỗ lực duy trì hòa bình ở các vùng biển tranh chấp.

“Philippines hy vọng các bên tuyên bố chủ quyền, những nước ASEAN khác, và các đối tác đối thoại của ASEAN sẽ xem xét đề xuất này vì nó toàn diện, mang tính xây dựng và tổng hợp những sáng kiến khác nhau của Philippines cũng như các nước khác trong vấn đề Biển Đông những năm qua", DFA tuyên bố hôm 1/8.

Căng thẳng trên Biển Đông đang leo thang thời gian gần đây khi TQ trở nên ngày càng gây hấn với láng giềng nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền. Kế hoạch ba bước của Manila còn bao gồm kêu gọi thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN và TQ đã thông qua năm 2002 cũng như tìm kiếm cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Tại Myanmar, các ngoại trưởng ASEAN cũng sẽ có những cuộc gặp với đối tác thương mại chính của khối như TQ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nước này cũng tổ chức diễn đàn an ninh khu vực gồm 27 quốc gia trong đó có những thành viên ASEAN, TQ, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và Australia.

Thái An (theo Rappler)