- Dự thảo luật Bảo hiểm XH trình UB Thường vụ QH hôm giữ nguyên tuổi nghỉ hưu hiện hành, nhưng UB Các vấn đề xã hội QH vẫn đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu.

>> Lường trước phản ứng xã hội nếu tăng tuổi hưu
>> 
Không đồng tình nâng tuổi hưu
>> 
Lo vỡ quỹ BHXH, lại muốn nâng tuổi hưu

Vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận, đến dự thảo mới nhất này, luật BHXH sửa đổi đã không còn đưa ra phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nữa. Nhưng UB Các vấn đề xã hội QH vẫn đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho các nhóm đối tượng theo quy định tại điều 187 của bộ luật Lao động cũng như các nghị định hướng dẫn để trình luôn vào kỳ họp tới.

Điều 187 bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu là nam đủ 60 và nữ đủ 55, nhưng người bị suy giảm khả năng lao động, làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm ở địa bàn khó khăn thì có thể nghỉ hưu sớm hơn, trong khí người làm khoa học, kỹ thuật, lãnh đạo, quản lý thì có thể nghỉ hưu muộn hơn.

Trong các lần trình trước, dự thảo luật BHXH sửa đổi đều có ý muốn nâng tuổi nghỉ hưu theo hướng từ 2016 trở đi, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam (hoặc 62 tuổi đối với cả nam và nữ), từ 2020 trở đi áp dụng với những người lao động còn lại.

Trong QH và dư luận có các phản ứng khác nhau đối với phương án này. Phần lớn ý kiến không muốn nâng tuổi hưu nhưng các bên liên quan trong soạn thảo luật như Bộ LĐ-TB-XH, UB Các vấn để xã hội QH, Tổng Liên đoàn Lao động VN, tổ chức và nhà tài trợ quốc tế, đều thống nhất nhận định quỹ BHXH sẽ vỡ nếu không có động thái kéo dài thời gian đóng và rút ngắn thời gian hưởng.

{keywords}
Chi trả lương hưu. Ảnh: An ninh Thủ đô

Việc đưa ra khỏi dự thảo phương án này, theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH, là do tầm nhìn chưa ổn. Góp ý về lộ trình, ông Nhã cho rằng mỗi năm tăng 4 tháng là gấp gáp, không khỏi tạo cảm giác cho người dân là có người muốn ở lại lâu, không muốn nhường chỗ cho người trẻ. Ông kiến nghị các khả năng mỗi năm tăng 1-2 tháng.

Sớm đóng BHXH theo thu nhập thực

Một vấn đề mà dự thảo luật BHXH sửa đổi còn phải làm rõ trước khi đưa ra QH kỳ tới việc mở rộng đối tượng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc có thời hạn 1-3 tháng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng ủng hộ: Việc này vừa đảm bảo hưu trí cho những người lao động này, đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước; vừa hạn chế tình trạng lách luật của một số người sử dụng lao động, chỉ ký hợp đồng 1-3 tháng để không phải nộp BHXH.

Ông Tùng cũng tán thành mở rộng đối tượng với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn và kiến nghị dù trả lương kiểu gì (theo giờ, ngày hay tháng) thì cứ lương bao nhiêu đóng BHXH bấy nhiêu là hợp lý.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng đối tượng này nên khuyến khích đóng BHXH tự nguyện.

Nhưng có những vấn đề chưa được đồng thuận. Trong đó có việc áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Ban soạn thảo có ý đến đến 1/1/2018 mới thực hiện.

Nhưng ông Đặng Ngọc Tùng phản ánh: Người lao động, nhất là khu vực ngoài nhà nước, cứ đóng BHXH trên lương giấy tờ, nhiều trường hợp chính là mức lương tối thiểu, rất thấp, nên khi về hưu lương hưu không được bao nhiêu.

Ông kiến nghị thực hiện ngay cách tính tiền lương tháng đóng BHXH một cách đầy đủ để còn nâng mức đóng BHXH cho người lao động. "Còn nếu biểu quyết là năm 2018 mới thực hiện thì yêu cầu đúng năm 2018 phải thực hiện, không lần lữa", ông Tùng nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì nhắc lại vấn đề ông đã nhiều lần phê bình: các hình thức đầu tư của quỹ BHXH.

"Phải ghi rõ 'cho ngân sách nhà nước vay' là vay thế nào, lãi suất ra sao. 'Đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia' thì bao nhiêu công trình đều đầu tư hết sao. 'Ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư', càng nguy hiểm, quỹ đâu phải cơ quan tài chính hay công ty chứng khoán, đâu có chuyên môn, có nghề để mà chịu được rủi ro mất tiền, trong khi đâu phải tiền của BHXH mà là tiền của người lao động. 'Các hình thức đầu tư khác', thế này mà đem đi góp vốn cổ phần là không được", ông Hùng phân tích.

Chủ tịch QH thấy cách viết trong dự thảo luật rất nguy hiểm, không đảm bảo được nguyên tắc "an toàn, hiệu quả và thu hồi được", thậm chí có nguy cơ mất hết quỹ. Ông Hùng phê Bộ Tài chính để "hạt sạn" này khi thông qua dự thảo là "thiếu trách nhiệm", đồng thời yêu cầu ban soạn thảo xem xét kỹ các quy định này.

Dự thảo phức tạp và còn nhiều tranh cãi này sẽ có thêm một hội nghị ĐBQH chuyên trách nữa để bàn trước khi trình QH thông qua kỳ họp tới, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết.

Chung Hoàng