Tuần báo The Economist của Anh vừa có bài phân tích và góp ý cải cách hệ thống hành chính công của nước này, với những điểm mà VN có thể soi thấy mình trong đó.

VietNamNet giới thiệu nội dung bài viết:

Người Pháp gọi họ là hauts fonctionnaires (quan chức), người Đức gọi là Beamte im höheren Dienst (công chức cấp cao), còn người Anh, có vẻ tiết kiệm chữ, gọi là mandarins (quan).

Những người giữ vị trí cao trong hệ thống công vụ chính là cánh tay đắc lực của nhà nước. Họ thực thi các cải cách mà các chính trị gia vẽ nên, và thiết kế tất cả các dịch vụ công từ hệ thống phúc lợi cho đến các nhà tù. So với các ông chủ bên khu vực tư nhân, các quan chức bên khu vực công thường nhận lương ít hơn nhưng sống nhàn nhã hơn, vị trí đảm bảo hơn, và rất ít áp lực phải cải thiện năng suất.

{keywords}
Nguồn ảnh: The Economist

Đã từ lâu người nộp thuế rất giận dữ khi các dự án lớn cứ chuệch choạc. Ví dụ sân bay mới ở thủ đô Berlin (Đức) bị chậm trễ đến 3 năm và có nguy cơ đội vốn gấp 3 lần dự tính ban đầu. Nhưng cử tri, và các chính trị gia, đặc biệt khó chịu với sự thiếu hiệu quả của dịch vụ công ích. Qua mạng xã hội, người dân phàn nàn về những vấn đề như thời gian chờ đợi quá lâu ở các bệnh viện.

Nhưng áp lực lớn nhất là thời gian trôi đi không trở lại: nhân viên khu vực tư rất hoài nghi rằng các công chức nhà nước có thể thoát nổi "cơn bão sáng tạo" đã và đang thay đổi các văn phòng trên toàn cầu.

Cải cách khu vực công là một dự án khổng lồ, nhưng trung tâm vẫn là con người. Chính phủ là một ngành công nghiệp dịch vụ, và nó đang có vấn đề căn bản về nhân tài. Một số ít hệ thống công vụ - Singapore là một ví dụ điển hình - cạnh tranh với khu vực tư để giành những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất. Nhưng nơi khác, kể cả những cơ quan tinh hoa như Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng đối ngoại Anh, phải vật vã, nhưng cũng nhanh chóng để mất những người hãnh tiến.

Quá nhiều công chức, đặc biệt ở lục địa châu Âu, quanh quẩn trong lãnh địa quan liêu nhưng rất hiếm người rời đi. Gần 4 trên 5 công chức cao tuổi ở Đức đã làm việc trong hệ thống hành chính công nhiều hơn hai thập kỷ. Nhà nước Pháp dưới thời Tổng thống François Hollande được vận hành bởi một dàn quan chức không thể sa thải được, không chịu đổi mới. Một nguyên do khiến các cán bộ này mắc kẹt chính là những khoản lương hưu hào phóng: cầm được lương hưu là ưu tiên hàng đầu.

Hầu hết công chức có xu hướng sống lâu lên lão làng, tuổi tác và thâm niên đều có giá trị. New Zealand đã tháo dỡ hệ thống thứ bậc và thang bảng lương cứng nhắc đó bằng việc bổ nhiệm các giám đốc phòng ban trong các bộ, người này sẽ ký họp đồng với ai đáp ứng yêu cầu và sa thải nếu không làm được việc. Các công chức Singapore thường xuyên được cử vào làm trong khu vực tư. Anh thì bổ nhiệm một nhân vật kỳ cựu từ ngành dầu mỏ sang điều hành cơ quan quản lý các dự án nhà nước có quy mô lớn. Mục đích là đem kinh nghiệm của khu vực tư vào cải thiện hiệu quả của khu vực công.

Cũng có chiều ngược lại, nhưng đó là hệ quả của việc trả lương theo hiệu quả. Một chánh văn phòng trong chính phủ Anh đã thôi việc để nhận một chỗ làm kinh doanh sinh lời. Trong khi đó ở Singapore, nơi có bộ máy chính quyền gọn nhẹ hơn Mỹ nhiều, có thể trả cho những người giỏi nhất đến 2 triệu USD một năm. Chi phí đó sẽ được bù đắp bằng việc tiết kiệm tiền thuê tư vấn đắt đỏ để giải quyết hậu quả của những dự án đổ bể.

Quan lại thì có người này người kia, nhưng cả hệ thống thì phải vận hành nhuần nhuyễn.

Chung Hoàng (dịch)