- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong năm 2015 cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong cuộc làm việc sáng nay với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành hữu quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao Bộ Xây dựng về những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính. Việc Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số về thủ tục cấp phép xây dựng của Việt Nam đứng thứ 28/185 quốc gia, tăng 39 bậc và là 1 trong 2 chỉ tiêu được thăng hạng đã cho thấy nỗ lực và kết quả này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, trên thực tế, các thủ tục hành chính về cấp giấy phép xây dựng còn mất quá nhiều thời gian, chưa minh bạch và chưa thống nhất trong cả nước, tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện, gây rắc rối, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Vì vậy, so với đòi hỏi của xã hội, Bộ Xây dựng cần phải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, nhằm giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, cũng như giảm được tình trạng nhũng nhiễu, từ đó mới giúp nâng cao được sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

{keywords}
Thủ tướng: Những thủ tục nào không cần thiết, dứt khoát phải cắt bỏ

“Cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta. Nhất thiết phải tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả song quản lý còn phải tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư phát triển. Những thủ tục nào không cần thiết, dứt khoát phải cắt bỏ”. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng lập tức xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục, phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu trong năm 2015 “cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian”.

Kế hoạch này bao gồm việc rà soát, bãi bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết; đồng thời Bộ Xây dựng chủ trì và các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp để đề xuất, kiến nghị cắt giảm, loại bỏ các thủ tục không cần thiết khác trong quan trình sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư liên quan.

“Vấn đề gì cần phải quy định để quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn thì phải quy định, vấn đề nào không cần thì phải loại bỏ. Thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục không những không tạo thông thoáng mà còn không đáp ứng được yêu cầu quản lý, vẫn lỏng lẻo, sơ hở, không chống được tiêu cực, tham nhũng thì phải xem lại” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

M. Thư