- Dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi dự kiến thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

>> Xem xét tăng nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng

Theo giải trình của Bộ Quốc phòng trước UB Thường vụ QH hôm nay (14/8), luật hiện hành đang quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng; hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng.

Nhưng hiện quân đội VN đã xây dựng các quân chủng Hải quân, Phòng không không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, nên thời hạn 18 tháng không đủ để huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.

"Ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng và Nhà nước giao như cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, công tác dân vận..., đã ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Vì vậy, thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới", Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng nói.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: 18 tháng không đủ đảm bảo chất lượng huấn luyện. Ảnh: Minh Thăng

Ông Thanh cũng cho biết quân đội VN đã được trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đòi hỏi phải có đủ thời gian huấn luyện để làm chủ vũ khí, trang bị, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Việc có hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng) cũng bất tiện cho công tác tuyển quân và giải quyết xuất ngũ, mỗi năm đều phải làm hai đợt, chi phối, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của quân đội, các địa phương, đơn vị, gây tốn kém về vật chất và thời gian.

Với đề xuất này, UB Quốc phòng An ninh QH, cơ quan thẩm tra, chưa có ý kiến thống nhất. Bên cạnh ý kiến đồng thuận với Bộ Quốc phòng là các ý kiến đề nghị thời hạn thống nhất là 18 tháng, thậm chí có ý kiến đề nghị giảm đều thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng.

Thực tế từ năm 1981 đến nay, luật Nghĩa vụ quân sự đã hai lần điều chỉnh thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình từ 3 năm xuống 2 năm và hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân từ 4 năm xuống 3 năm (luật sửa đổi, bổ sung năm 1990), sau đó là từ 24 tháng xuống 18 tháng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và từ 36 tháng xuống 24 tháng đối với hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân (luật sửa đổi năm 2005).

Giải trình về đề xuất tăng của Bộ Quốc phòng lần này bị cơ quan soạn thảo đánh giá là "chưa thỏa đáng, cần có đánh giá tác động khách quan, khoa học và toàn diện hơn các mặt thuận lợi, tích cực và khó khăn, hạn chế của mỗi phương án để có sự lựa chọn phù hợp".

UB Quốc phòng An ninh nhấn mạnh các tiêu chí: Đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, kết hợp việc xây dựng lực lượng thường trực có số lượng hợp lý với xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu; Cụ thể hóa và thực hiện các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, đặc biệt là bảo đảm công bằng xã hội ; phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội...

Hiện cơ quan thẩm tra đang nghiêng về phương án quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 18 tháng.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trao đổi lại: Tâm lý chung của quân nhân đang tại ngũ 18 tháng hiện nay cũng là muốn thời gian ngắn hơn. "Nhưng để đảm bảo chất lượng huấn luyện và tính công bằng, việc thống nhất 24 tháng là cần thiết. Nhiều nước trên thế giới có thời hạn nghĩa vụ quân sự là 2-3 năm", ông Thanh nói.

Chung Hoàng