Báo mạng Wantchinatimes dẫn tờ Want Daily (Đài Loan) rằng, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mong muốn được nhớ đến như một người kế nhiệm thực sự của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Ông Đặng Tiểu Bình, người qua đời năm 1997, được coi là "kiến trúc sư trưởng của quá trình cải cách, mở cửa của TQ". Ông đã dẫn dắt TQ đi theo con đường đổi mới, chuyển mình trong những năm 1970 sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời.

{keywords}
Ông Tập Cận Bình đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng đồng ông Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến. Ảnh: THX

Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Đặng Tiểu Bình đã được tổ chức trọng thể ở Bắc Kinh ngày 20/8 với sự tham dự của ông Tập và toàn bộ 6 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị TQ. Tại sự kiện này, ông Tập đã nhắc lại một số câu nói nổi tiếng của ông Đặng Tiểu Bình như "tìm sự thật từ các sự kiện", "chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc TQ" hay "thực hiện đổi mới trong tinh thần tiên phong"...

Ông Tâp Cận Bình còn phê bình cuộc Cách mạng Văn hóa, nhấn mạnh rằng, một trong những đóng góp lịch sử của ông Đặng Tiểu Bình là "vô hiệu hóa hoàn toàn thực tiễn và lý thuyết sai lầm của Cách mạng Văn hóa".

Cùng ngày, Nhân dân Nhật báo TQ xuất bản một bài dài nói về tính cần thiết trong các chiến lược cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, đồng thời khẳng định, ông Tập đang đi theo con đường tương tự.

Kể từ khi trở thành lãnh đạo TQ tháng 11/2012, với các chính sách, chiến dịch đưa ra, nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Tập có ý định đưa TQ trở lại con đường chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Nhưng trong thực tế, ông Tập lại muốn được nhớ tới như một người kế nhiệm thực sự của ông Đặng.

Cả ông Tập và ông Đặng đều chia sẻ một tầm nhìn - niềm tin vững chắc vào cải cách và thừa nhận gánh nặng của lịch sử. Cả hai đều nhấn mạnh "giấc mơ TQ" trên con đường xây dựng một TQ mới. Vì thế, không ngạc nhiên khi vào ngày 7/12/2012, không lâu sau khi ông Tập nắm quyền lãnh đạo, ông đã tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng đồng ông Đặng ở Thâm Quyến.

Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc lại rằng, ông có ý định tiếp tục đào sâu cải cách, có kế hoạch thúc đẩy chiến lược phân quyền của ông Đặng bằng cách cho phép vốn tư nhân tham gia các lĩnh vực nhà nước kiểm soát như tài chính, vận tải và quân sự.

Ông cũng được cho là người đánh giá cao vai trò của ông Đặng trong việc lãnh đạo TQ đi theo con đường trở thành một cường quốc thế giới và không bao giờ muốn đưa TQ trở lại thời Mao Trạch Đông. Cách mạng Văn hóa đã khiến ông Tập Cận Bình phải rút ngắn thời gian học trung học, buộc ông về lao động ở nông thôn, và khiến cha ông phải vào tù.

Thái An (theo Wantchinatimes)