- Kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, linh hoạt trong đánh giá, dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ; biết mình, biết người, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để bảo vệ và giữ vững lợi ích quốc gia dân tộc - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ.


Nhân kỷ niệm 69 năm thành lập ngành ngoại giao (28/8/1945-28/8/2014), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu cũng như đường hướng đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nói:

Ngày 28/8/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập; cùng với đó là sự ra đời của ngành ngoại giao Việt Nam hiện đại. Suy ngẫm về lịch sử ngành, điều những người làm công tác đối ngoại chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào nhất là nền ngoại giao hiện đại của Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành, dành rất nhiều tình cảm, tâm huyết, tạo dựng cho ngành một nền móng vững chắc.

{keywords}

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN

Tư tưởng và phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh thấm đẫm, xuyên suốt mọi hoạt động của ngành 69 năm qua, và tiếp tục làm kim chỉ nam cho thế hệ ngoại giao hiện nay.

Các thế hệ cán bộ ngoại giao luôn tâm niệm lời Bác dạy “muốn làm gì cũng vì lợi ích dân tộc mà làm” và “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, linh hoạt trong đánh giá, dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ; biết mình, biết người, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để bảo vệ và giữ vững lợi ích quốc gia dân tộc.

Xin ông chia sẻ một số suy nghĩ về tình hình quốc tế và nhiệm vụ của công tác đối ngoại hiện nay?

Tình hình thế giới và khu vực đang biến chuyển nhanh và phức tạp, đưa đến nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng rất gay gắt. Kinh tế thế giới phục hồi rõ nét hơn, nhưng còn nhiều bất ổn.

Khi các mô hình kinh tế đương đại đều bộc lộ những vấn đề trong cuộc khủng hoảng vừa qua, xu thế lớn hiện nay là các nền kinh tế đều tìm kiếm con đường cân bằng hơn giữa tăng trưởng và ổn định, chú trọng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch…

Xu thế hợp tác, liên kết kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, việc ta đang tham gia các đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… sẽ tạo ra những không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp và đất nước..., nhưng cũng đòi hỏi cả chính phủ và doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh.

Nằm ở trung tâm khu vực phát triển năng động của thế giới, chúng ta có cơ hội tận dụng các xu thế đó để tăng tốc, bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới, nhưng cũng đối diện với nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu cơ hội bị bỏ lỡ.

Về chính trị-an ninh, xu thế hòa bình, hợp tác, tùy thuộc lẫn nhau vẫn là xu thế nổi trội, đang tạo ra những vận hội tốt để cho nước ta tận dụng nhằm phục vụ cho các mục tiêu an ninh và phát triển của đất nước. Mặt khác, bất ổn và xung đột vẫn hiện diện ở nhiều nơi, từ châu Á tới châu Âu, từ Trung Đông tới châu Phi, và đang có chiều hướng gia tăng.

Chúng ta thấy những biến động tưởng như ở nơi xa xôi như Ukraine hay Libya đều tác động đến một bộ phận kiều bào và doanh nghiệp ta.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen phức tạp, căng thẳng hơn; trong đó có những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực, đến độc lập, chủ quyền và môi trường phát triển của Việt Nam.

Dù bối cảnh quốc tế có chuyển biến và phức tạp đến đâu, ngành ngoại giao cần bám sát để thực hiện cho được những định hướng đối ngoại trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ lớn của ngành hiện nay là phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc kinh tế theo hướng phát triển bền vững và phải phối hợp chặt chẽ cùng quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là chủ quyền biển đảo.

Những kết quả chính của quá trình triển khai công tác đối ngoại vừa qua và phương hướng sắp tới?

Trên bình diện song phương, chủ trương làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả. Từ đầu năm 2014, chúng ta đã triển khai 7 chuyến công tác nước ngoài của các lãnh đạo cấp cao, đón 11 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước. Các hoạt động song phương đạt nhiều kết quả tích cực, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.

Đơn cử, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á; đẩy mạnh hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường cao tốc Bắc-Nam, triển khai nhiều hợp tác nổi bật về nông nghiệp…

Đối ngoại đa phương tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, góp phần phát huy và bảo vệ lợi ích của đất nước. Chúng ta đóng góp tích cực vào hợp tác gìn giữ hòa bình ở khu vực và thế giới, đã cử cán bộ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan; cùng các thành viên tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực; thúc đẩy thực thi Điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trước nhiều thách thức to lớn và phức tạp, công tác bảo vệ biên giới lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và an ninh đất nước được chú trọng hơn bao giờ hết. Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các lực lượng khác kiên trì đấu tranh kiên quyết, có kết quả bằng những biện pháp hòa bình, cụ thể là trong đấu tranh xử lý vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua.

Chúng ta đã khẳng định rõ ràng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam và tranh thủ được sự quan tâm, ủng hộ của khu vực, quốc tế và các đối tác lớn; đề cao nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không hành động đơn phương, sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực gây ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định ở khu vực.

Trong thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục chú trọng công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ; tích cực thực thi các chương trình, nhiệm vụ hội nhập quốc tế cụ thể.

Các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập cần được tiếp tục cụ thể hóa, nhằm đạt tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác kinh tế-thương mại sâu rộng hơn, quan hệ an ninh, quốc phòng sâu sắc hơn, hợp tác giáo dục, khoa học-công nghệ hiệu quả hơn…

Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại đa phương, cần chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng luật chơi chung”, cùng với sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, và giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Ngành ngoại giao cũng đang tiếp tục kiện toàn bộ máy, gần đây nhất là sự ra đời của Cục Ngoại vụ địa phương, nhằm phục vụ mục tiêu này.

PV