Thủ tướng Ấn Độ Nahendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có các cuộc hội đàm chính thức ở Tokyo từ hôm nay để củng cố mối quan hệ đang ngày một ấm dần giữa hai nước.

Ông Modi đã chọn Nhật là điểm đến nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Trước chuyến công du 5 ngày của ông Modi, Thủ tướng Nhật bày tỏ: “Tôi háo hức đón chờ ông tại Kyoto” và nhấn mạnh: “Ấn Độ có vị trí đặc biệt trong tim tôi”. Đáp lại, ông Modi cũng có tuyên bố tương tự rằng ông “đặc biệt mong được gặp” ông Abe.

{keywords}
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đón chào người đồng cấp Ấn Độ Nahendra Modi. Ảnh: hindustantimes

Khi Thủ tướng Ấn Độ - với sự tháp tùng của một đoàn doanh nghiệp lớn - tới Nhật, ông Abe đã chào đón với sự khác thường (theo mô tả của hãng tin Kyodo) với cái ôm siết chặt người đồng cấp.

Hai nhà lãnh đạo Nhật và Ấn có nhiều điểm chung. Như Ruchir Sharma, đứng đầu phân tích thị trường mới nổi tại Morgan Stanley Investment Management nói rằng, cả hai đều “tôn thờ chủ nghĩa dân tộc, là những nhà cải cách theo hướng thân thiện với doanh nghiệp, là những người cam kết phục hồi niềm tự hào quốc gia bằng cách hồi sinh nền kinh tế”.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc ông Modi quyết định chọn Nhật làm điểm công du nước ngoài đầu tiên vượt xa những “ưu ái cá nhân”. Nó như một sự cân nhắc về việc Ấn Độ và Nhật Bản có thể làm việc với nhau trước những lợi ích và mối quan tâm chung. Đó là phục hưng kinh tế và đối phó với chủ nghĩa bành trướng của TQ.

“Quan hệ hợp tác Nhật-Ấn có thể định hình địa chính trị châu Á tương tự như sự trỗi dậy của TQ hay chiến lược xoay trục của Obama”, Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi viết cho báo Nikkei (Nhật).

Báo chí Nhật Bản đưa tin, hai thủ tướng có thể đồng thuận về một khuôn khổ tham vấn an ninh “hai cộng hai” với sự tham gia của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Nhật đã có các thỏa thuận tương tự với Mỹ, Australia, Nga và Pháp.

Hai nước đều lo ngại trước những tham vọng ngày càng lớn của TQ cũng như quan tâm tới việc kiềm chế các hành động này ở Biển Đông, Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Tokyo và New Delhi đều có tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Bắc Kinh và cùng chứng kiến việc TQ những năm gần đây ngày càng gây hấn hơn trong thúc đẩy tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, quan hệ của New Delhi với Tokyo không hề có sự căng thẳng giống như mối quan hệ với Bắc Kinh hay ít nhiều khúc mắc như với Washington. Giữa Ấn Độ và Nhật Bản, ông Modi nói ngay trước chuyến thăm rằng “chỉ có thiện chí và sự ngưỡng mộ lẫn nhau”. Ông mô tả Nhật “có tầm quan trọng đặc biệt” trong tầm nhìn của ông đối với Ấn Độ với với “hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại châu Á nói chung”.

Ông Modi tìm tới Nhật Bản với hy vọng nước nà sẽ giúp ông hiện thực hóa mục tiêu nâng cấp sản xuất, cơ sở hạ tầng Ấn Độ cũng như cải thiện chất lượng các thành phố. Hai nước dự kiến sẽ tuyên bố sự tham gia của Nhật trong một dự án tàu cao tốc nối Mumbai và Ahmedabad ở bang Gujarat.

Tăng cường hợp tác chiến lược và an ninh cũng chiếm phần lớn trong chương trình nghị sự lần này với các sáng kiến như tổ chức tập trận chung giữa lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật và Ấn. Tokyo hy vọng chuyến thăm của Thủ tướng Ấn sẽ đạt được kết quả là thỏa thuận xuất khẩu máy bay US-2 sử dụng cho cứu hộ, giám sát tầm xa và hỗ trợ.

Trong một cuộc phỏng vấn trước chuyến thăm, ông Modi nói, việc Nhật gần đây nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí có thể mở ra “một kỷ nguyên hợp tác mới trong công nghệ và trang thiết bị quốc phòng cao cấp”.

Một liên minh đang hình thành và cả hai đối tác đều muốn thế giới biết điều đó.

Thái An (theo CNA, FT)