- Chỉ còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại dự thảo luật Đầu tư sửa đổi, thay vì 51 như trước kia. Nói như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, chỉ khi rà soát đến tận gốc, cấp xã, huyện, tỉnh mới hay 'các ông ấy cấm ở mọi nơi'.

Dự thảo luật Đầu tư sửa đổi được thảo luận tại hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay ở Hà Nội.

Hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản.

Các điều kiện kinh doanh được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như giấp phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định...

Theo đánh giá, đây là loại điều kiện kinh doanh dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xin cấp phép, cấp chứng nhận. Một ĐB phải thốt lên rằng "có đứng vai DN mới biết đi xin (giấy) khổ như thế nào".

Sau khi xem xét, cân nhắc đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại điều 4 của dự thảo luật và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết hoặc không rõ mục tiêu quản lý nhà nước; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng, tạo gánh nặng chi phí với nhà đầu tư...

Quyền dân chủ lớn nhất

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kể khi nghe Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường từng nhận xét luật pháp VN "phức tạp nhất thế giới", ông thấy 'chột dạ'.

{keywords}
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Minh Thăng

“Khi rà soát ngành nghề bị cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện để xây dựng dự thảo luật Đầu tư sửa đổi thì mới vỡ ra, nhất là khi rà soát đến tận gốc, cấp xã, huyện, tỉnh mới. Theo ông, kết quả ngành nghề danh mục cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh mới chỉ rà soát ở cấp ngành, chứ chưa rà soát ở địa phương.

"Địa phương các ông ấy cấm khắp mọi nơi đấy, ví dụ xi măng phải mua ở tỉnh tôi, uống bia phải uống trong tỉnh tôi. Đấy là hạn chế quyền tự do kinh doanh"” - Chủ tịch QH nói.

Nhấn mạnh quyền dân chủ lớn nhất của con người là tự do làm ăn, Chủ tịch QH "tha thiết" đề nghị phải dày công sửa luật này để cải cách thật sự theo đúng tinh thần bảo vệ quyền tự do kinh doanh đã được hiến định. VN có hội nhập được hay không, doanh nghiệp có cạnh tranh được hay không cũng phụ thuộc vào việc sửa luật này cũng như luật Doanh nghiệp.

"Mọi người được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Như vậy, quyền kinh doanh chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Có điều kiện tức là một biện pháp hạn chế kinh doanh. Bây giờ nếu chúng ta nói rằng danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ rà soát thôi rồi giao cho Chính phủ quy định, như vậy có đúng không? Nếu cứ thông qua rồi tính tiếp thì lại rơi vào tình trạng như ông Hà Hùng Cường nói thôi" - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.

Do đó ông nhấn mạnh việc đổi mới phải cẩn thận, không thể bước tập tễnh, cải tiến ẩu. Kiên quyết làm cho được nhưng phải cẩn trọng.

Cấm không nên trừ

ĐB Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh điều 4 là linh hồn của luật, quy định những ngành cấm kinh doanh nghĩa là không được kinh doanh. Nhưng dùng thêm từ "trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng". Ông cho rằng, quy định như vậy không nghiêm ở điều cấm. "Phải làm rõ những đơn vị nào được đặt hàng. Cấm là cấm, lại còn trừ là không nghiêm"- ĐB Vinh phát biểu.

ĐB Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng, An ninh đặt câu hỏi liệu cấm kinh doanh vũ khí quân dụng trang thiết bị kỹ thuật, khí tài… đã phù hợp với chủ trương phát triển khi nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã nói “nâng cao phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh…”?

{keywords}
ĐB Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Giờ chúng ta cấm thì làm sao phát triển được, trong khi thực tế đầu tư vào lĩnh vực này đang còn rất hạn chế. Nên chuyển sang danh mục đầu tư có điều kiện. Hơn nữa, không nên đèo thêm khoản trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng trong điều 4 này"- ông Ngũ phát biểu.

Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch cho hay, không có ngành nghề nào kinh doanh mà không có điều kiện và đều được quy định trong các luật chuyên ngành. Do đó, đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở luật này thay các luật khác là bất khả thi mà phải rà lại ở luật chuyên ngành.

ĐB Lịch cho rằng, luật này không thể liệt danh mục các ngành cấm kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện mà chỉ nêu nguyên tắc kinh doanh thôi. Bởi bản thân nó không thể giải quyết tất cả vấn đề của môi trường đầu tư. Theo đó, nên quy định các loại doanh nghiệp phải có giấy phép trước khi đăng ký kinh doanh (như tài chính, ngân hàng), loại thứ hai là phải tiền kiểm trước khi kinh doanh (như mở tiệm ăn, nhà hàng) và loại ba là tự do kinh doanh và chỉ hậu kiểm.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình quan điểm của ĐB Lịch khi cho rằng, có tình trạng trong xây dựng luật, cơ quan soạn thảo thường bảo vệ sân của mình đến cùng. Nên nếu để sau này mới rà lại thì mỗi người một sân, sẽ rất khó. Như thế chỉ khổ dân và doanh nghiệp.

Ông cho rằng, luật Đầu tư (sửa đổi) phải thay các luật chuyên ngành. Phải rà hết các danh mục cấm và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các luật chuyên ngành. Ngành nghề gì đã cấm và cần có điều kiện mà thấy hợp lý đưa vào luật này, còn cấm và hạn chế vô lý thì bỏ đi. Ngoài luật này, không ai được quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện nữa.

Linh Thư