- Chiều 16/9 tại TP.HCM, UB Pháp luật QH họp phiên toàn thể, thẩm tra dự án luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), với sự tham dự của Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân.

Nhiều góp ý quan trọng cho Luật MTTQ tập trung vào vấn đề giám sát, phản biện.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Trần Đình Long cho rằng, làm sao để giám sát của Mặt trận là phải thu thập cho được ý kiến phản ánh của người dân về những việc làm không đúng, bởi vì bất cứ một hành động nào sai trái cũng không qua được “tai mắt” của nhân dân. Mặt trận cần phát huy cao độ sự phối hợp này.

{keywords}
Toàn cảnh phiên họp

Ủy viên thường trực UB Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, việc luật hóa giám sát, phản biện sẽ tạo điều kiện cho hoạt động của Mặt trận có hiệu quả hơn. Theo ông, hoạt động giám sát, phản biện xét cho cùng là thực hiện mục tiêu thực hiện dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội. \

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, giám sát, phản biện xã hội là nội dung rất quan trọng mà MTTQ thực hiện. Giám sát ở đây là đại diện cho nhân dân, thay mặt cho nhân dân, do vậy cần xem giám sát này là giám sát quyền lực mà quyền lực ở đây là quyền lực của nhân dân. “Giám sát cần phải được thực hiện từ bên ngoài vào, từ bên trên xuống, điều này phải được cụ thể hóa bằng luật” - ông Thảo đề nghị.

Chủ nhiệm UB Phan Trung Lý đề nghị, giám sát, phản biện của Mặt trận cần phải được phong phú, rộng rãi nhưng không nặng nề. Hiến pháp quy định việc giám sát riêng, phản biện riêng nhưng hai vấn đề này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

“Tôi đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu có nên gộp hai vấn đề thành một hay không” - lời ông Lý.

Vừa chủ trì hội nghị tổng kết hoạt động các hội đồng tư vấn MTTQ buổi sáng ở Hà Nội, bay vào ngay TP.HCM để dự họp, Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, giám sát cần được hiểu là giám sát nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận. Trong điều kiện hiện nay, có rất nhiều vấn đề cần phải giám sát, lực lượng giám sát của Nhà nước không thể đủ sức để thực hiện, do vậy cần phải có nhân dân giám sát. Nhưng muốn hiệu quả thì đội ngũ giám sát của nhân dân phải được tổ chức chặt chẽ. Và để đáp ứng điều này, Mặt trận đứng ra tập hợp tổ chức cùng với nhân dân giám sát.

"Cái khó là trong Hiến pháp không giải thích rõ giám sát là gì, phản biện là gì nên tôi đề nghị trong luật Mặt trận cần nêu cụ thể để đội ngũ giám sát có cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, luật cũng nêu rõ mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, mối quan hệ giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên, làm sao việc giám sát phải có sự thống nhất. Hiện nay, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân giám sát mà nhân dân giám sát chưa được cụ thể, chẳng hạn như trong luật Doanh nghiệp không có quy định tiếp đại diện của MTTQ, hay MTTQ muốn giám sát hoạt động của bệnh viện thì Mặt trận thì phải phối hợp, như vậy giám sát sẽ bị động, không có chế tài, nên sẽ thiếu hiệu quả" - ông Nhân nhấn mạnh.

Vân Trường