Cuộc khủng hoảng Ukraina khiến Nga và TQ xích lại gần nhau hơn. Nhất là hiện tại, Moscow có chút gì đó đồng cảm từ Bắc Kinh.


Có thứ Bắc Kinh có thể làm mà không cần có cuộc khủng hoảng Ukraina. Đó là quan hệ tốt với tất cả các bên liên quan, không cần chôn chân ở đâu, không nhất thiết phải đứng về phía nào.

TQ thân thiện với Đức, Pháp và Anh - theo thứ tự - trong khi mối quan hệ với Mỹ căng thẳng nhưng ổn định. Với Nga - nước mà TQ chia sẻ đường biên giới tới hơn 4.000km có thể không phải là một đồng minh thân cận, nhưng quan hệ song phương ít nhất là đang ngày một cải thiện.

{keywords}
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: rt

Nhưng đáng kể nhất là Bắc Kinh có quan hệ gần gũi với Ukraina. Chính phủ TQ đã cho Kiev vay 3 tỉ USD hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp. Khoản vay này sẽ được trả trong 15 năm với việc cung cấp ngũ cốc. Nhưng Ukraina đã không thể giữ vững thỏa thuận và Bắc Kinh đang tìm kiếm sự bồi hoàn.

Tuy nhiên, hợp tác quân sự song phương còn khá sâu đậm. Kiev không chỉ bán cho TQ hàng trăm động cơ máy bay mà còn bán cả tàu sân bay đầu tiên, hiện đã được TQ nâng cấp và đưa vào hoạt động dưới cái tên Liêu Ninh.

Bắc Kinh đang ở giữa một cuộc xung đột có thể gây phản ứng ngược với chính họ. Nơi hậu trường, người TQ đang thúc giục Ukraina giữa quan điểm trung lập tối đa có thể để không làm mếch lòng bất kỳ ai. Ít nhất ở thời điểm này, họ đã thành công.

Đến nay, quan hệ của TQ với Ukraina và phương Tây chưa trải qua tổn thất nào đáng kể. Trong khi đó, Bắc Kinh lại thúc đẩy hơn mối quan hệ với Nga giữa bối cảnh Moscow bị cô lập bởi các biện pháp cấm vận liên tiếp của phương Tây. Nga buộc phải tìm kiếm đối tác mới hoặc phục hồi lại những tình bạn cũ. Thực tế này đặc biệt thấy rõ trong sự hợp tác kinh tế.

Trung lập kiểu TQ

Hồi đầu tháng, Tổng thống Nga V.Putin đã tới phía đông Siberia dự lễ động thổ công trình hệ thống ống dẫn hơn 4.000km. Hệ thống này dự kiến tới năm 2019 sẽ bơm khí đốt đến TQ. Thỏa thuận được ký kết vào tháng 5 sau 10 năm thương thảo.

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, Nga hoan nghênh hệ thống trên hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên, họ cũng phải trả giá đắt về điều đó. Bắc Kinh đang có nhiều lợi thế, được hưởng lợi lớn từ các diễn biến hiện tại, từ đó thúc đẩy các điều kiện tưởng như không tưởng vào thời điểm chưa xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina.

Với việc phương Tây gần đây đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa, TQ có thể đạt thêm nhiều thỏa thuận với Nga. Hai nước dự kiến chi 1,3 tỉ USD cho việc xây dựng một cây cầu, một đường hầm và mạng lưới đường sắt xuyên qua eo biển Kerch nằm giữa Nga và Crưm. Họ cũng xem xét xây dựng một kênh đào ở Nicaragua để cạnh tranh với kênh Panama mà Mỹ xây dựng.

Tại lễ động thổ xây dựng hệ thống dẫn khí mới, Phó thủ tướng TQ Trương Cao Lệ đã đưa ra cả chục lĩnh vực - từ năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ cao đến hàng không, du lịch không gian - mà Moscow và Bắc Kinh có thể xây dựng quan hệ đối tác. Tháng 8, ngay khi Kremlin trả đũa sự trừng phạt của phương Tây và Mỹ khiến hàng hóa tiêu dùng từ các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu bị chặn lại thì các doanh nghiệp TQ đã mau chóng lấp đầy chỗ trống trên các kệ hàng ở Nga.

Nhưng rõ ràng, cho dù việc hợp tác kinh tế hai nước tiến triển mạnh trong tương lai, Bắc Kinh cũng sẽ không cho phép chính họ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng. Họ không muốn thay đổi lập trường này cho dù hai bên đã tiến hành cuộc tập trận chung vào cuối tháng 8 ở phía bắc TQ.

Sau tất cả, trong khi Putin đang viết lại cuốn sách về an ninh thời hậu chiến tranh lạnh châu Âu, thì TQ đứng từ xa theo dõi một cách thận trọng, không phản đối hay can thiệp. Đây là kiểu trung lập của Bắc Kinh.

Thái An (theo Deutsche Welle)