- Cho rằng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nơi còn chưa chặt chẽ, nhận đơn chuyển mà chưa đôn đốc giải quyết đến cùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói nhiều khi do cơ quan chính quyền "sai, bảo thủ". “Nói phải củ cải cũng nghe cơ mà”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, luật Tiếp công dân và nghị định 64 sáng nay ở Hà Nội.
Phức tạp
Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch tỉnh An Giang - địa phương được coi là “điểm nóng” về khiếu kiện đất đai kêu trời khi nhắc tới khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Từ đầu năm đến nay, dù khiếu nại đã giảm nhưng tình trạng kéo người lên các trụ sở tiếp dân TƯ ở HN và TP HCM vẫn tiếp diễn với 22 đoàn.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: QĐND |
“Khi xem xét lại mới thấy toàn chuyện quá khứ mấy chục năm trước. Có những trường hợp đã giải quyết theo chỉ đạo của Thủ tướng, đã đối thoại, giải quyết nhiều lần, đã có quyết định chấm dứt vụ việc nhưng dân vẫn kéo ra TƯ. Có những trường hợp không có nhà ở, chính quyền đã có các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ nhưng người dân vẫn kéo nhau đi khiếu nại tiếp” - ông Thạnh nói.
Theo ông, quanh quẩn trong khiếu nại, kiếu kiện, nghèo, dân trí thấp nên đã có trường hợp bị lợi dụng, lôi kéo tham gia các tổ chức phản động. Do đó, ông đề xuất phải có giải pháp dứt khoát chấn chỉnh kỷ cương việc tuân thủ các quyết định của pháp luật cũng như phải siết trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, các cấp sở ngành nếu để đơn thư không giải quyết đến cùng.
Không chỉ An Giang, nhiều tỉnh, thành cũng kêu về tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo kéo dài, vượt cấp lên TƯ. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang nêu có đến 70% tố cáo sai, hơn 60% khiếu nại sai.
Ông kiến nghị ứng dụng CNTT liên thông để giải quyết khiếu nại tố cáo, không chỉ giữa các sở ban ngành trong địa phương mà liên thông các tỉnh, thành để hạn chế tình trạng đơn bị chuyển lòng vòng.
Ngoài ra, ông Cang cũng cho rằng, trong các vụ khiếu nại, tố cáo lần hai, ngoài các đoàn kiểm tra TƯ, có những vụ việc nhiều đoàn kiểm tra khác nhau dẫn đến báo cáo kết luận khác nhau, làm khó địa phương.
Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đồng tình việc triển khai đoàn liên ngành kiểm tra để đảm bảo kết luận đồng nhất.
Phó Chủ tịch UBND TP HN Vũ Hồng Khanh chỉ ra, chế tài liên quan quyền lợi, lợi ích của người dân thì rõ nhưng chế tài đối với người lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây phức tạp an ninh, trật tự thì yếu. HN đã từng phải mời các địa phương lên đưa dân về, trong nhiều trường hợp thì buộc phải đưa về. “Nên có quy định pháp luật xử lý tập trung khiếu nại đông người vi phạm pháp luật” - ông nói và nhắc việc gần đây có dấu hiệu lợi dụng tố cáo để bôi nhọ cán bộ, vu cáo, vu khống cán bộ, nói xấu chế độ.
'Nói phải củ cải cũng nghe'Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển đề cập đến 70% số vụ khiếu nại, tố cáo là đất đai. Qua chấn chỉnh trong việc tiếp dân, số vụ khiếu nại có giảm nhưng diễn biến về việc khiếu nại đông người vẫn hết sức phức tạp.
“Dân vẫn tiếp tục khiếu nại khi các cấp thẩm quyền đã giải quyết hết rồi. Lên đến Bộ TN-MT thì gần như 100% số vụ đều không thuộc thẩm quyền của chúng tôi nữa mà vẫn phải làm. Vậy mà luật không có quy định nào về việc nếu đã hết cấp có thẩm quyền thì có nhận đơn của người dân nữa không”.
Do đất đai là lĩnh vực nhạy cảm mà chỉ 12% khiếu nại tố cáo của dân là đúng, có đúng có sai cộng lại thì 40%, theo ông Hiển rõ ràng có trách nhiệm của các cấp chính quyền làm không tốt.
“Đây là vấn đề lớn chứ không phải nhỏ, không nên đổ hết cho người dân. Nếu không nhìn nhận thế thì chưa giải quyết được, không thể nói là đã làm hết sức khi vẫn còn tỷ lệ đến như thế được. Rõ ràng là làm chưa tốt” - ông Hiển nhận định.
Theo đó Thứ trưởng nhấn mạnh phải hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp - đây là trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền, không phải do dân được.
“Đáng ra phải theo mô hình hình chóp, dưới nhiều, trên ít nhưng giờ cảm tưởng như là mô hình ngược lại vậy. TTCP nói 1 năm giải quyết 2.000 vụ thì không hiểu lực lượng ở đâu ra mà làm được khối lượng công việc như vậy, ngoài ra còn làm được việc gì khác? Phải hạn chế việc đưa việc lên tỉnh, TƯ chứ cứ để vượt cấp như này thì rất gay. Vậy thì TTCP đừng coi việc đi giải quyết thay cho các địa phương là chính - rất gay. Phải xác định việc thanh tra công vụ là chính”.
Ông cũng chia sẻ, nhiều vụ nói pháp luật thì người dân không nghe nhưng đối thoại, vận động thì họ lại bằng lòng. “Như vậy vấn đề là tiếp xúc để nắm bắt được nguyện vọng, tâm lý, để người dân cảm thấy được trân trọng”.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng, người dân có tâm lý khiếu nại càng cao giải quyết càng nhanh, cũng có nguyên nhân địa phương giải quyết chưa dứt khoát.
Việc chuyển đơn lòng vòng, TTCP kiến nghị chủ trương không chuyển đơn mà trao đổi, thuyết phục với các cơ quan để giải quyết cho đúng, cập nhật kết quả giải quyết để Ban tiếp dân TƯ nắm, không tiếp dân với những vụ đã giải quyết nữa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác tiếp công dân mà có nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức. Một vấn đề khác là việc phối hợp tiếp công dân còn chưa chặt chẽ và nhận đơn chuyển nhưng chưa đôn đốc giải quyết đến cùng.
“Có nhiều trường hợp do chúng ta sai, bảo thủ. Nói phải củ cải cũng nghe cơ mà” - ông nói.
Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và lưu ý đội ngũ cán bộ tiếp công dân có trình độ chưa tương xứng chức năng nhiệm vụ và tính phức tạp của công tác.
“40% tố cáo đúng và có đúng có sai là rất lớn chứ không phải không”.
Phó Thủ tướng đề xuất Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và Tổng TTCP xuống địa phương cùng lãnh đạo địa phương tiếp công dân, xem xét, điều phối giải quyết các bức xúc.
Linh Thư