- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung xử lý hiệu quả các hạn chế, yếu kém, khó khăn đang cản trở sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng, không nói chung chung.

Ngày 29 và 30/9, Chính phủ họp phiên thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và thảo luận giải pháp cho các tháng còn lại của năm.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, 9 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các lĩnh vực chủ yếu, tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ; nông nghiệp đã khắc phục được các tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh gây ra và đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với năm trước; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao và tiếp tục có xuất siêu; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, giá cả thị trường ổn định…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm tới nay tiếp tục chuyển biến tích cực; đà tăng trưởng rõ nét và đồng đều hơn; các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt kết quả tích cực, theo đó, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội giao có 13 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt là giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động và 1 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo, ước đạt 49% trong khi kế hoạch là 51%.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đề xuất các biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục phân tích và làm rõ nguyên nhân tất cả những hạn chế, yếu kém, cản trở, chậm trễ để có các biện pháp khắc phục, xử lý.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích và đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể, quyết liệt để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động; tái cơ cấu nền kinh tế và triển khai 3 khâu đột phá chiến lược.

Thủ tướng cho rằng từ thực tiễn chỉ đạo và đột phá vào các khâu cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh… thời gian qua cho thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt, chắc chắn sẽ tạo chuyển động mạnh mẽ và kết quả cụ thể trên thực tế. “Tập trung xử lý hiệu quả các hạn chế, yếu kém, khó khăn đang cản trở sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng, không nói chung chung” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

H.Anh