- Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi có nên tổ chức theo hướng từ thứ trưởng trở xuống là công chức làm chuyên môn hay vẫn là cấp phó giúp việc để lên thay bộ trưởng?
Ông Phùng Quốc Hiển lên tiếng tại phiên họp UBTVQH sáng nay về dự án luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Dẫn kinh nghiệm các nước, ông nhắc đến tổ chức mối quan hệ giữa bộ trưởng (chính khách) và thứ trưởng (công chức, làm việc chuyên môn mẫn cán, tinh thông nghề nghiệp).
"Chúng ta có đi theo hướng đó không, hay vẫn thứ trưởng là cấp phó của ông bộ trưởng, có thể lên thay bộ trưởng?"- ông Hiển muốn Bộ Nội vụ - cơ quan soạn thảo lưu ý việc làm rõ đột phá trong tổ chức bộ máy ở cấp bộ.
Theo Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, thực tiễn có tình trạng khi điều hành lúng túng vì tính chuyên nghiệp của bộ máy, nhất là công chức, viên chức và kỳ vọng luật sửa đổi phải tạo sự đột phá trong việc tổ chức bộ máy nhà nước chuyên nghiệp.
Ông Hiển cũng kiến nghị phải quy định thẳng vào luật số lượng thứ trưởng của một bộ mà không đưa vào nghị định quy định nữa. Ông đề xuất chỉ nên quy định mỗi bộ có 2-3 thứ trưởng.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng nếu quy định thẩm quyền của thứ trưởng là cấp phó giúp việc cho bộ trưởng thì không đúng và thông thường không phải như vậy. Cấp thứ trưởng phải phân định thẩm quyền theo chuyên môn và chịu trách nhiệm về chuyên môn.
"Lĩnh vực nhà nước phải có người chịu trách nhiệm, chứ không phải là dồn lên hết ông bộ trưởng. Bộ trưởng là chính khách, điều khiển tầm vĩ mô thôi. Nếu cứ Nhà nước thì dồn lên ông Thủ tướng, cấp bộ dồn lên ông bộ trưởng thì không được. Xây dựng pháp luật phải đi theo hướng phân định rạch ròi trách nhiệm" - ông Hiện nói.
Ông cũng lưu ý không phải cái gì cũng học nước ngoài, nhưng cái hay, đúng, tốt thì nên tham khảo. Như ở các nước, dù Chính phủ thay đổi, có vấn đề này khác nhưng bộ ngành vẫn hoạt động bình thường vì đã xác định vai trò bộ trưởng, thứ trưởng rành mạch.
Cứ trình xin ý kiến, không ai chịu trách nhiệm
Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng cho rằng, dự thảo luật so với luật cũ thì chưa mới nhiều trong phân định thẩm quyền Thủ tướng, Chính phủ, các thành viên Chính phủ.
"Cử tri và chúng tôi để ý trong nhiều phiên chất vấn, cứ chất vấn bộ trưởng cái khó, cái tắc là lại trình Chính phủ xin ý kiến, cứ xin ý kiến Chính phủ là xong. Luật phải quy định thẩm quyền rành mạnh của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng.
Việc nào xin ý kiến tập thể Chính phủ phải quy định trong luật rõ ra. Còn những việc khác thì ông bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, chứ không phải chờ xin ý kiến. Nếu vẫn như vậy thì không ai chịu trách nhiệm rõ ràng cả" - ông Hiện nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng dự thảo luật nêu quyền hạn của Chính phủ khá rõ nhưng trách nhiệm của cả Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng chưa rõ. Cũng chờ đợi sự đổi mới, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về Chính phủ, ông Sơn đặt câu hỏi "có dám" quy định cụ thể việc từ chức trong luật không?
Ông nhấn mạnh luật Tổ chức QH quy định rõ QH bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ do QH bầu và phê chuẩn. "Vậy có nên cụ thể hóa trong trường hợp các vị trí tín nhiệm bị thấp thành quy định trong luật không, thực hiện thế nào, có nên từ chức không?" - ông hỏi.
Việc ai người đấy làm, sao lại 'quan hệ'?
Lần đầu được Bộ Nội vụ trình UBTVQH, dự thảo luật nhận nhiều đóng góp liên quan vấn đề kỹ thuật luật pháp cũng như mức độ cụ thể hóa các quy định của luật. Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện không hài lòng khi một số điều mới chỉ dừng ở mức "mô tả Hiến pháp, thậm chí có quy định mô tả không bằng Hiến pháp".
Theo ông Hiện, luật phải làm rõ 3 ý liên quan Chính phủ: thế nào là cơ quan hành chính cao nhất, thực hành quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của QH, chứ không phải quy định "trùng" với Hiến pháp. Ông nhấn mạnh rất rõ yêu cầu luật phải cụ thể hóa Hiến pháp. Ông cũng phàn nàn vai trò thực hành quyền hành pháp của Chính phủ là rất quan trọng nhưng dự thảo luật chưa có quy định nào thể hiện kiểm soát quyền lực.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì phàn nàn có những quy định của Hiến pháp liên quan đảm bảo dân sinh, quyền con người quan trọng nhưng dự thảo luật không có. Cụ thể, điều 58 Hiến pháp nêu nhiệm vụ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân nhưng dự thảo luật không quy định việc thực hiện của cơ quan hành pháp.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nói một số từ trong luật đọc "ngẫm mãi chưa ra" như chính trị hành chính, hành pháp chính trị. "Dùng trong văn phạm chính trị, luật pháp là cả vấn đề, luật đưa ra QH phải đọc dễ hiểu" - bà nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra những chi tiết nhỏ như quy định nói về "quan hệ". "Việc ai người đấy làm, sao lại 'quan hệ'? Việc bộ trưởng phải có trách nhiệm báo cáo, trình Thủ tướng, quan hệ gì viết vào đây? Không phải quan hệ giữa tôi với anh. Nhiệm vụ, trách nhiệm của anh thì báo cáo. Sao lại quan hệ, không có luật nào quy định quan hệ cả. Chương về quan hệ tù mù, không rõ về luật pháp, quyền của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng thì làm cho rõ, gắn với trách nhiệm phải rõ" - ông nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý dự thảo luật dùng quá nhiều từ "ủy quyền": "Ai có quyền thì người đó làm, trách nhiệm phải rõ ra".
Linh Thư